Văn hóa - Xã hội
Luật Thủ đô số 39/2024/QH15 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 28 tháng 6 năm 2024 (sau đây gọi tắt là Luật Thủ đô năm 2024). Luật Thủ đô năm 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025 (Trừ 05 nội dung có hiệu lực thi hành từ 01/7/2025) thay thế Luật Thủ đô số 25/2012/QH13.
Xây dựng ý thức tự giác, ứng xử văn minh, chuẩn mực của người dân khi tham gia giao thông, từng bước hình thành rõ nét văn hóa giao thông trong nhân dân. Ảnh: Chu Dũng.
Về biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn xã hội (Điều 33)
Trên cơ sở kế thừa Điều 20 của Luật Thủ đô năm 2012, Luật Thủ đô năm 2024 đã bổ sung một số nội dung mới có tính đặc thù, nổi trội nhằm nâng cao hiệu quả các biện pháp hành chính, xử phạt vi phạm hành chính trong một số lĩnh vực nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu thực tiễn bảo vệ an ninh, trật tư, an toàn xã hội, bảo vệ tài sản, tính mạng nhân dân. Cụ thể:
1. Mở rộng phạm vi lĩnh vực và địa bàn áp dụng việc nâng mức xử phạt vi phạm hành chính
Luật Thủ đô năm 2024 quy định thêm 06 lĩnh vực là quảng cáo, phòng cháy, chữa cháy, an toàn thực phẩm, giao thông đường bộ, bảo vệ môi trường và an ninh, trật tự, an toàn xã hội nâng mức xử phạt vi phạm hành chính so với 03 lĩnh vực văn hoá, đất đai và xây dựng đã được quy định tại Luật Thủ đô năm 2012; Mở rộng địa bàn áp dụng ra toàn thành phố so với quy định chỉ thực hiện ở khu vực nội thành theo Luật Thủ đô năm 2012 (điểm a khoản 1 Điều 33).
Như vậy, Hội đồng nhân dân Thành phố được quy định mức tiền phạt cao hơn nhưng không quá 02 lần mức tiền phạt chung do Chính phủ quy định và không vượt quá mức phạt tối đa theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành đối với một số hành vi vi phạm hành chính thuộc 09 lĩnh vực: văn hoá, đất đai, xây dựng, quảng cáo, phòng cháy, chữa cháy, an toàn thực phẩm, giao thông đường bộ, bảo vệ môi trường và an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thành phố.
Việc bổ sung các lĩnh vực và mở rộng địa bàn áp dụng mức phạt hành vi vi phạm hành chính là rất cần thiết trong bối cảnh đô thị hoá trên địa bàn Thành phố đang diễn ra nhanh chóng, số lượng vi phạm hành chính ở khu vực ngoại thành trong các lĩnh vực trên diễn ra khá phổ biến, tăng nhanh, có lĩnh vực tương đương, thậm chí cao hơn khu vực nội thành, nhiều vi phạm rất phức tạp và khó xử lý nhưng mức xử phạt, biện pháp ngăn chặn, biện pháp bảo đảm thi hành theo quy định của pháp luật hiện hành chưa bảo đảm tính răn đe, chưa bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, gây bức xúc trong xã hội [1].
2. Quy định việc áp dụng biện pháp hành chính ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong trường hợp thật cần thiết để đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thành phố (khoản 2 Điều 33) [2]
- Đối tượng bị áp dụng biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện nước gồm:
+ Công trình xây dựng sai quy hoạch, công trình xây dựng không có giấy phép xây dựng đối với công trình theo quy định phải có giấy phép hoặc xây dựng sai với nội dung quy định trong giấy phép xây dựng; công trình xây dựng sai với thiết kế xây dựng được phê duyệt đối với trường hợp được miễn giấy phép xây dựng;
+ Công trình xây dựng trên đất bị lấn, chiếm theo quy định của pháp luật về đất đai;
+ Công trình xây dựng thuộc diện phải thẩm duyệt về thiết kế phòng cháy, chữa cháy nhưng chưa được tổ chức thi công khi chưa có giấy chứng nhận hoặc văn bản thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy, chữa cháy;
+ Công trình thi công không đúng theo thiết kế về phòng cháy, chữa cháy đã được thẩm duyệt;
+ Công trình xây dựng, cơ sở sản xuất kinh doanh chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy mà đã đưa vào hoạt động;
+ Cơ sở kinh doanh dịch vụ vũ trường, kinh doanh dịch vụ ka-ra-ô-kê (karaoke) không bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy;
+ Công trình thuộc trường hợp phải phá dỡ và đã có quyết định di dời khẩn cấp của cơ quan có thẩm quyền.
- Người có thẩm quyền yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện nước: Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp nơi có công trình, cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc đối tượng bị áp dụng biện pháp này.
- Trách nhiệm của người cung cấp dịch vụ điện nước: Phải dừng cung cấp dịch vụ ngay khi có yêu cầu của người có thẩm quyền, bảo đảm đúng phạm vi, đối tượng, thời hạn; thông báo cho người sử dụng dịch vụ về việc ngừng cung cấp dịch vụ và thể hiện quyền ngừng cung cấp dịch vụ trong hợp đồng sử dụng dịch vụ điện, nước (khoản 3 Điều 33).
- Hội đồng nhân dân Thành phố quy định chi tiết trường hợp áp dụng và việc thực hiện biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước (khoản 4 Điều 33).
Việc quy định cho Hội đồng nhân dân Thành phố quy định chi tiết nhằm bảo đảm việc áp dụng biện pháp được công khai, minh bạch, có đầy đủ cơ sở để tổ chức thực hiện một cách khả thi và hiệu quả.
[1] Từ năm 2016 đến. năm 2020 tăng 2.526 vụ cháy nổ, 29 người chết, thiệt hại về tài sản là 576 tỷ đồng; tính đến 19/4/2023 trên địa bàn Thành phố còn 2601 công trình chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động (Báo cáo số 119/BC-UBND ngày 19/4/2023 của Uỷ ban nhân dân Thành phố và Báo cáo số 59/BC-BTP ngày 28/2/2023 của Bộ Tư pháp về Báo cáo đánh giá tác động của chính sách Luật thủ đô (sửa đổi)
[2] Ở Thủ đô, thực tiễn áp dụng trong một thời gian ngắn (1/2018) biện pháp ngừng cung cấp điện, nước đối với các công trình xây dựng vi phạm trật tự xây dựng đô thị (theo Nghị định 180/2008/NĐ-CP) cho thấy biện pháp này có tác động rất lớn đến đối tượng thực hiện hành vi vi phạm, mục đích, hiệu quả quản lý nhà nước về trật tự xây dựng đạt được, phù hợp với thực tiễn tổ chức thi hành pháp luật hiện nay.