Văn hóa - Xã hội
Luật Thủ đô số 39/2024/QH15 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 28 tháng 6 năm 2024 (sau đây gọi tắt là Luật Thủ đô năm 2024). Luật Thủ đô năm 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025 (Trừ 05 nội dung có hiệu lực thi hành từ 01/7/2025) thay thế Luật Thủ đô số 25/2012/QH13.
CHÍNH SÁCH TÀI CHÍNH, NGÂN SÁCH VÀ HUY ĐỘNG NGUỒN LỰC PHÁT TRIỂN THỦ ĐÔ (Chương IV)
Nghị quyết số 15-NQ/TW định hướng: “Huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để khai thác tốt nhất tiềm năng, lợi thế của Thủ đô về văn hoá, khoa học, công nghệ. Phát huy vai trò dẫn dắt, tạo động lực của đầu tư công kết hợp với khuyến khích, phát huy các nguồn vốn từ khu vực tư nhân, khu vực đầu tư nước ngoài, các nhà tài trợ và tổ chức quốc tế…; khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực từ đất đai, tài nguyên gắn với phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội”.
Luật Thủ đô năm 2024 thể chế hoá định hướng này của Nghị quyết số 15-NQ/TW theo hướng đẩy mạnh phân quyền trong lĩnh vực đầu tư, đơn giản hóa quy trình thủ tục đầu tư, tăng cường biện pháp ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, đa dạng hóa mô hình, phương thức đầu tư mới, qua đó giúp thu hút đầu tư xã hội để hỗ trợ cho nguồn vốn từ ngân sách nhà nước; khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai, tài sản công nhằm thực hiện các mục tiêu đầu tư phát triển Thủ đô Hà Nội xanh, thông minh, hiện đại [1].
Nỗ lực đưa Luật Thủ đô (sửa đổi) vào cuộc sống.
1. Về huy động nguồn lực tài chính, ngân sách cho phát triển Thủ đô ( Điều 34)
1.1. Các nguồn thu bổ sung từ ngân sách trung ương cho ngân sách Thành phố
Các nguồn thu gồm: ngân sách trung ương trích thưởng cho ngân sách Thành phố (khoản 1 Điều 34); ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách Thành phố đảm bảo ngân sách trung ương không hụt thu và không vượt quá tổng số tăng thu ngân sách trung ương trên địa bàn so với thực hiện năm trước (khoản 2, 3 Điều 34).
1.2. Các nguồn thu mới bổ sung cho ngân sách Thành phố
- Nguồn thu từ việc áp dụng một số loại phí, lệ phí trên địa bàn Thành phố chưa được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí; điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí, lệ phí được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí. Việc thu phí, lệ phí trên địa bàn Thành phố phải có lộ trình; phù hợp với khả năng và yêu cầu phát triển của Thành phố; tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, ngành, nghề ưu đãi đầu tư; không gây ra tiêu cực, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; bảo đảm sự thống nhất của thị trường, không cản trở lưu thông hàng hóa, dịch vụ; thực hiện điều tiết hợp lý đối với một số hàng hóa, dịch vụ và nguồn thu nhập hợp pháp của tổ chức, cá nhân trên địa bàn Thành phố; bảo đảm công khai, minh bạch, cải cách hành chính nhà nước (khoản 4 Điều 34).
- Nguồn thu từ việc Uỷ ban nhân dân Thành phố được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước, nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho Thành phố vay lại và từ nguồn trái phiếu Chính phủ phát hành với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 120% số thu ngân sách Thành phố được hưởng theo phân cấp, trường hợp cần huy động vốn vay lớn hơn mức này để thực hiện dự án trọng điểm của Thành phố, Ủy ban nhân dân Thành phố báo cáo Chính phủ xem xét trình Quốc hội quyết định. Hàng năm Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao tổng mức vay và mức bội chi ngân sách Thành phố (khoản 6 Điều 34).
- Nguồn thu từ việc ngân sách Thành phố được giữ lại toàn bộ phần ngân sách trung ương được hưởng theo tỷ lệ phân chia các khoản thu tiền sử dụng đất, tiền cho thuê đất thuộc thẩm quyền quản lý của Thành phố để tập trung tạo nguồn lực ưu tiên hỗ trợ di dời các cơ quan, đơn vị, cơ sở thuộc danh mục phải di dời quy định tại khoản 3 Điều 18 Luật Thủ đô năm 2024 và hỗ trợ thực hiện các dự án trọng điểm của Thủ đô (khoản 7 Điều 34).
- Nguồn thu từ việc ngân sách Thành phố được hưởng 100% khoản thu từ giao dịch tín chỉ các-bon từ các chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon sử dụng ngân sách Thành phố (khoản 8 Điều 34).
- Nguồn thu từ việc đổi mới phương thức khai thác tài sản công trong một số lĩnh vực (hình thức hợp đồng nhượng quyền khai thác, quản lý để khai thác các công trình, hạng mục công trình hạ tầng văn hóa, thể thao, công trình kiến trúc có giá trị; sử dụng tài sản công cho thuê, liên doanh, liên kết phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị sự nghiệp công lập được giao quản lý tài sản công) (khoản 1,2,3 Điều 41).
2. Sử dụng nguồn lực tài chính, ngân sách cho phát triển Thủ đô (Điều 35)
Luật Thủ đô năm 2024 quy định các chính sách đặc thù nhằm tạo thể chế thông thoáng, thuận lợi cho Thủ đô linh hoạt, chủ động bố trí, sử dụng ngân sách phục vụ đầu tư phát triển, khắc phục những vướng mắc của Luật Ngân sách và Luật đầu tư công hiện hành. Cụ thể, Luật trao quyền cho Hội đồng nhân dân Thành phố:
2.1. Quyết định sử dụng nguồn cải cách tiền lương
Quyết định sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư của ngân sách Thành phố và cho phép ngân sách cấp dưới sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của các cấp ngân sách địa phương, thực hiện chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý của Thành phố với tổng mức chi không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức do Thành phố quản lý sau khi đã bảo đảm đủ nguồn để thực hiện cải cách tiền lương cho cả thời kỳ ổn định ngân sách theo quy định của cấp có thẩm quyền và bảo đảm thực hiện các chính sách xã hội, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội do trung ương và thành phố ban hành (điểm a , b khoản 1 Điều 35).
2.2. Quyết định sử dụng ngân sách Thành phố
- Hỗ trợ di dời, xây dựng mới, bố trí đất cho đối tượng thuộc danh mục phải di dời theo quy định (điểm c khoản 1 Điều 35).
- Hỗ trợ các cơ quan trung ương thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thành phố, hỗ trợ các địa phương khác trong nước hoặc hỗ trợ quốc gia khác trong trường hợp cần thiết; cho phép đơn vị hành chính cấp huyện sử dụng ngân sách cấp mình để hỗ trợ đơn vị hành chính cấp huyện khác của thành phố Hà Nội và các đơn vị đơn vị hành chính cấp huyện thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác trong việc phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và các nhiệm vụ an sinh xã hội, phúc lợi xã hội (điểm d khoản 1 Điều 35).
- Thực hiện dự án đầu tư, công trình, dự án có tính chất liên kết, phát triển vùng giữa Thủ đô với địa phương khác, dự án quốc lộ, đường cao tốc đi qua địa bàn Thành phố phù hợp với quy hoạch (điểm đ khoản 1 Điều 35).
2.3. Quy định chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi đối với các nhiệm vụ chi sử dụng ngân sách Thành phố
Hội đồng nhân dân Thành phố quy định chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi đối với các nhiệm vụ chi sử dụng ngân sách Thành phố cao hơn hoặc chưa có trong quy định của cơ quan nhà nước cấp trên để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm thực hiện chính sách xã hội, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội của Thủ đô, phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách Thành phố ( điểm e khoản 1 Điều 35) [2].
3. Về đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách nhà nước ( Điều 36 )
(Đã giới thiệu tại mục 3 (phần III)- Về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển khu công nghệ cao thuộc)
4. Về thẩm quyền về đầu tư (Điều 37 )
Ngoài thẩm quyền đầu tư theo quy định của pháp luật hiện hành, Luật Thủ đô năm 2024 đẩy mạnh phân quyền cho Hội đồng nhân dân Thành phố, Uỷ ban nhân dân Thành phố trong lĩnh vực đầu tư:
4.1. Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quyết định chủ trương đầu tư
- Hội đồng nhân dân Thành phố quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư công, dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (sau đây gọi là dự án PPP) thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật hiện hành và các dự án đầu tư công, dự án PPP không sử dụng nguồn vốn ngân sách trung ương trên địa bàn Thành phố như sau:
+ Dự án đường sắt đô thị, dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD không giới hạn tổng mức vốn đầu tư, bao gồm cả trường hợp sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 02 vụ trở lên với quy mô từ 500 ha trở lên, di dân tái định cư từ 50.000 người trở lên (điểm a khoản 2 Điều 37).
+ Dự án đầu tư công, dự án PPP không giới hạn tổng mức vốn đầu tư trừ dự án nêu trên, dự án ảnh hưởng lớn đến môi trường hoặc tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, dự án thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh có mức độ tuyệt mật, dự án sản xuất chất độc hại, chất nổ thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ (điểm b khoản 2 Điều 37).
- Hội đồng nhân dân Thành phố quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư công, dự án PPP trên địa bàn Thành phố có sử dụng nguồn vốn ngân sách trung ương, sử dụng nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nước ngoài thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ trong trường hợp được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao (khoản 3 Điều 37).
4.2. Ủy ban nhân dân Thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án
Ủy ban nhân dân Thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Công nghệ cao và các dự án sau đây:
- Dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán, cho thuê, cho thuê mua, khu đô thị có quy mô sử dụng đất từ 300 ha đến dưới 500 ha hoặc quy mô dân số từ 50.000 người trở lên, trừ dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội.
- Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao (khoản 4 Điều 37).
Ngoài ra, Ủy ban nhân dân Thành phố quyết định lựa chọn áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong nước và nước ngoài; quy định tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí, đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong các lĩnh vực, phương thức thực hiện, phương thức thanh toán khác với quy định hoặc chưa được quy định trong văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên phù hợp với tình hình thực tế, đặc điểm và nhu cầu xây dựng, phát triển Thủ đô (khoản 5 Điều 37).
Quy định này giúp Thành phố có thể chủ động lựa chọn áp dụng thống nhất một tiêu chuẩn, quy chuẩn chung tiên tiến, có tính phổ biến, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong quản lý, vận hành, giảm mức đầu tư, tiết kiệm chi phí, đồng thời cũng giúp khắc phục những tồn tại, bất cập hiện nay trong nhiều lĩnh vực khác.
Luật Thủ đô năm 2024 sẽ tạo đột phá để thành phố Hà Nội tăng tốc phát triển. Ảnh: Nguyễn Quang.
5. Về tách bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng, phương thức thực hiện dự án đầu tư; một số phương thức thực hiện dự án đầu tư
5.1. Về tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án độc lập (Điều 38)
Luật cho phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Thành phố, khi quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư công, dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư theo quy định, dự án tổng thể có quy mô dự án nhóm B, nhóm C theo quy định của pháp luật về đầu tư công, có quyền quyết định tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án độc lập; quyết định mục tiêu, quy mô, tổng mức đầu tư, cơ cấu nguồn vốn, địa điểm đầu tư của dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tương tự như cơ chế, chính sách đặc thù đã được áp dụng cho tỉnh Khánh Hoà theo Nghị quyết số 55/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội (khoản 1 Điều 38).
- Căn cứ chủ trương đầu tư dự án tổng thể, cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Thành phố quyết định đầu tư dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (khoản 2 Điều 38).
5.2. Về một số phương thức thực hiện dự án đầu tư
Để thu hút đầu tư xã hội, Luật Thủ đô năm 2024 quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù khác với pháp luật hiện hành:
a) Quy định đặc thù đối với thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư
- Bổ sung hai lĩnh vực văn hóa, thể thao được thực hiện đầu tư theo phương thức PPP (khoản 1 Điều 39);
- Hội đồng nhân dân Thành phố được xem xét, quyết định việc tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP nhưng không quá 70% tổng mức đầu tư của dự án trong trường hợp chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng chiếm tỷ trọng lớn hơn 50% tổng mức đầu tư của dự án và phương án tài chính sơ bộ của dự án PPP không bảo đảm khả năng hoàn vốn (khoản 2 Điều 39 ).
b) Quy định đặc thù đối với thực hiện hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT)
Luật Thủ đô năm 2024 quy định cụ thể, chặt chẽ hơn các nguyên tắc, điều kiện đối với việc thanh toán hợp đồng BT bằng ngân sách nhà nước hoặc bằng quỹ đất, bảo đảm minh bạch, khả thi khi thực hiện; các nội dung cụ thể sẽ giao Chính phủ quy định chi tiết.
- Xác định rõ lĩnh vực và điều kiện được thực hiện đầu tư theo hợp đồng BT gồm: giao thông vận tải, thủy lợi, thoát nước, xử lý nước thải với quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu không thấp hơn 200 tỷ đồng, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế - xã hội, chất lượng công trình dự án, không gây thất thoát vốn, tài sản nhà nước (khoản 2 Điều 40).
- Quy định chặt chẽ thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện dự án, thanh toán, quyết toán dự án và thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đối với từng loại dự án đầu tư theo hợp đồng BT thanh toán bằng ngân sách nhà nước và thanh toán bằng quỹ đất (khoản 3 Điều 40).
- Xác định cụ thể các trường hợp được áp dụng thanh toán bằng ngân sách nhà nước đối với hợp đồng BT (dự án ứng dụng công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển; dự án ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ sạch); tiêu chuẩn lựa chọn nhà đầu tư; nguồn vốn thanh toán và thời điểm thanh toán (khoản 4 Điều 40) .
- Xác định cụ thể các trường hợp được áp dụng thanh toán bằng quỹ đất; tiêu chuẩn lựa chọn nhà đầu tư; xác định thời điểm giao đất, thời điểm kinh doanh, khai thác dự án đối ứng có sử dụng đất (khoản 5 Điều 40).
Những quy định này một mặt tạo thêm phương tiện và phương thức để Thủ đô phát huy tối đa nguồn lực cho phát triển, mặt khác có thể khắc phục những rủi ro, hạn chế của các quy định về BT và quá trình triển khai hình thức BT trước đây.
5. 3. Về quản lý, sử dụng tài sản công và khai thác công trình hạ tầng ( Điều 41)
Đây là quy định mới, đặc thù nhằm tạo cơ chế nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công do các cơ quan, tổ chức , nhất là các tổ chức sự nghiệp công lập được giao quản lý, sử dụng. Luật Thủ đô năm 2024 quy định hai biện pháp có tính đột phá, nổi trội:
a) Cho phép cơ quan, tổ chức đang được giao quản lý, sử dụng công trình, hạng mục công trình được quyền ký hợp đồng nhượng quyền khai thác, quản lý.
Luật quy định cơ quan, tổ chức đang được giao quản lý, sử dụng công trình, hạng mục công trình hạ tầng văn hóa, thể thao, công trình kiến trúc có giá trị được ký hợp đồng nhượng quyền khai thác, quản lý công trình, hạng mục công trình với nhà đầu tư, doanh nghiệp để khai thác công trình, hạng mục công trình trong thời gian nhất định. Đây là biện pháp phù hợp, giúp huy động nguồn lực xã hội tham gia, hợp tác với Nhà nước, giúp Nhà nước, nhà đầu tư thu được lợi ích kinh tế cao hơn từ việc hợp tác; tạo nguồn thu để tái đầu tư, bảo dưỡng, phát triển công trình, tăng khả năng tự chủ của các đơn vị sự nghiệp (khoản 1,2 Điều 41).
Luật giao cho Hội đồng nhân dân Thành phố và Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan khác ở trung ương quyết định danh mục công trình, hạng mục công trình thuộc phạm vi quản lý của mình được phép nhượng quyền khai thác, quản lý; quy định nguyên tắc, điều kiện, nội dung, cơ chế tài chính, trình tự, thủ tục thực hiện việc nhượng quyền khai thác, quản lý công trình, hạng mục công trình thuộc phạm vi quản lý của Thành phố hoặc thuộc phạm vi quản lý của Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan khác ở trung ương, tương ứng (khoản 4, 5 Điều 41).
Quy định này tạo điều kiện khai thác tối đa hiệu quả không gian, hạ tầng của các công trình, hạng mục công trình văn hoá, thể thao, công trình kiến trúc có giá trị thuộc phạm vi quản lý của Thành phố đồng thời cũng mở ra cơ hội cho các cơ quan, tổ chức thuộc phạm vi quản lý của Trung ương sử dụng cơ chế nhượng quyền, quản lý công trình, hạng mục công trình văn hoá, thể thao trên địa bàn Thành phố.
b) Cho phép đơn vị sự nghiệp công lập đang được sử dụng tài sản công thuộc phạm vi quản lý trên địa bàn Thành phố vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết
Luật quy định việc kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết trong sử dụng tài sản công để cung cấp các dịch vụ cho hoạt động công nghệ cao, cung cấp thiết bị dùng chung, không gian làm việc, nghiên cứu, ươm tạo, thử nghiệm và trình diễn công nghệ để hỗ trợ các hoạt động công nghệ cao, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị (khoản 3 Điều 41).
Luật giao Hội đồng nhân dân Thành phố quy định nguyên tắc, điều kiện, nội dung, cơ chế tài chính, trình tự, thủ tục lập, lấy ý kiến, quyết định đề án sử dụng tài sản công thuộc phạm vi quản lý của Thành phố vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết (khoản 4 Điều 41); Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định nguyên tắc, điều kiện, nội dung, cơ chế tài chính, trình tự, thủ tục lập, lấy ý kiến, quyết định đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết đối với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (khoản 6 Điều 41).
5.4.Về thu hút nhà đầu tư chiến lược (Điều 42)
Với mục tiêu tạo cơ chế thuận lợi, hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư có năng lực tham gia đầu tư các dự án, ngành, nghề ưu tiên, bảo đảm việc thực hiện thành công các dự án mà Thủ đô ưu tiên thu hút đầu tư, đồng thời tạo hiệu ứng giúp thu hút nhiều nhà đầu tư khác tham gia đầu tư, góp phần tạo đột phá trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, Luật Thủ đô năm 2024 quy định:
a) Các dự án, ngành, nghề thu hút nhà đầu tư chiến lược vào Thủ đô (khoản 1 Điều 42)
- Đầu tư xây dựng đô thị vệ tinh, phát triển đường sắt đô thị, giao thông công cộng khối lượng lớn nội vùng và liên vùng, phát triển khu công nghệ cao, xử lý ô nhiễm môi trường;
- Công nghiệp chế tạo, sản xuất mạch tích hợp bán dẫn, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), chip bán dẫn, pin công nghệ mới, vật liệu mới, năng lượng mới, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo phát triển và chế tạo hệ thống đầu máy, toa xe, thông tin tín hiệu, điều khiển đường sắt, điều khiển giao thông đô thị, thành phố thông minh, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao;
- Phát triển trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D); dự án nghiên cứu và hỗ trợ chuyển giao công nghệ cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa, công nghệ vật liệu mới, năng lượng sạch.
b ) Quy định về điều kiện của nhà đầu tư chiến lược (khoản 2 Điều 42)
- Thực hiện dự án đầu tư thuộc Danh mục ngành, nghề, lĩnh vực thu hút nhà đầu tư chiến lược của Thủ đô;
- Chứng minh được năng lực về tài chính, công nghệ và kinh nghiệm đầu tư dự án trong lĩnh vực tương tự có quy mô vốn tương đương với quy mô dự án thu hút nhà đầu tư chiến lược;
- Có cam kết bằng văn bản về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, về việc nội địa hóa, cam kết về thực hiện dự án đầu tư đúng mục tiêu theo Danh mục dự án, ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược của Thủ đô; đáp ứng các yêu cầu về quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật Việt Nam.
c) Quy định trình tự, thủ tục đề xuất dự án đầu tư và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư chiến lược
Luật quy định trình tự, thủ tục đề xuất dự án đầu tư và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư chiến lược để thực hiện các dự án thuộc danh mục ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược (khoản 3, 4 Điều 42); trách nhiệm của nhà đầu tư chiến lược đã được lựa chọn nếu không thực hiện đúng các cam kết với Thành phố trong quá trình thực hiện dự án đầu tư (khoản 6 Điều 42).
d) Quy định các ưu đãi đầu tư đối với nhà đầu tư chiến lược
Đối với nhà đầu tư chiến lược, để tránh xung đột với chính sách thuế tối thiểu toàn cầu, Luật Thủ đô năm 2024 không quy định ưu đãi về thuế mà quy định nhà đầu tư chiến lược được hưởng các ưu đãi đầu tư về miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước cao hơn ưu đãi đầu tư chung; ưu đãi về thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất nhập khẩu của dự án đầu tư; hỗ trợ phát triển nhân lực, hạ tầng và công trình hạ tầng xã hội; chi phí hỗ trợ nghiên cứu và phát triển các sản phẩm công nghệ cao, ưu đãi, hỗ trợ khác do Hội đồng nhân dân Thành phố quyết định để đáp ứng yêu cầu cấp thiết trong thu hút nhà đầu tư chiến lược (khoản 5 Điều 42 và khoản 5 Điều 43).
5.5. Về ưu đãi đầu tư (Điều 43)
Các quy định ưu đãi đầu tư được quy định trong Luật Thủ đô năm 2024 nhằm thu hút, huy động nguồn lực cho việc đầu tư, phát triển hạ tầng, đô thị, nhà ở, phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, nông nghiệp, khoa học và công nghệ, bảo vệ môi trường của Thủ đô. Cụ thể:
- Quy định các dự án đầu tư được ưu đãi thuộc các lĩnh vực phát triển Thủ đô: thể thao và các ngành công nghiệp văn hóa, cơ sở giáo dục, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở trợ giúp xã hội, hoạt động công nghệ cao, công nghệ thông tin đổi mới, sáng tạo, môi trường, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… (khoản 1 Điều 43).
- Quy định các ưu đãi dành cho các nhà đầu tư có dự án thuộc các lĩnh vực được ưu đãi: ưu đãi về miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước; miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (khoản 2 Điều 43).
- Quy định các ưu đãi dành cho các doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực trọng điểm về khoa học và công nghệ của Thủ đô, bao gồm cả ưu đãi dành cho doanh nghiệp và ưu đãi dành cho các chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt, cá nhân khởi nghiệp sáng tạo làm việc tại doanh nghiệp khởi nghiệp sáng toạ, tổ chức khoa học và công nghệ, trung tâm đổi mới sáng tạo (khoản 3 Điều 43).
- Quy định ưu đãi cho tổ chức, cá nhân đầu tư vào các dự án cơ ở trợ giúp xã hội ngoài công lập, các cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện, cơ sở cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và quy định ưu đãi đối với các nhà đầu tư chiến lược (khoản 4, 5 Điều 43).
[1] Theo tính toán, trong giai đoạn 2026 -2030, nhu cầu chi đầu tư phát triển của Thành phố là 715 nghìn tỷ, trong khi đó ngân sách Thành phố chỉ có thể đáp ứng được 312,56 nghìn tỷ; vì vậy con số thiếu hụt này cần có nhiều giải pháp đồng bộ để huy động nguồn lực đầu tư (Báo cáo số 59/BC-BTP ngày 28/2/2023 của Bộ Tư pháp về Báo cáo đánh giá tác động của chính sách Luật Thủ đô (sửa đổi)).
[2] Quy định này khác với quy định tại khoản 10 Điều 25 Luật Ngân sách nhà nước, theo đó, Chính phủ “quyết định các chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi tiêu thực hiện thống nhất trong cả nước, đối với một số chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách, để phù hợp đặc điểm của địa phương, quy định khung và giao Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định cụ thể”, Bộ trưởng Bộ Tài chính “quyết định ban hành chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách đối với các ngành, lĩnh vực sau khi thống nhất với các bộ quản lý ngành, lĩnh vực”.