Ngày 27/7 - ngày Thương binh, Liệt sĩ không chỉ là dịp để tưởng nhớ, mà còn là dịp để tri ân, để thế hệ hôm nay tự nhắc mình phải sống xứng đáng với những gì cha anh đã hy sinh. Đó không chỉ là một ngày lễ, mà là biểu hiện sinh động của truyền thống "Đền ơn đáp nghĩa", "Nghĩa tình đồng bào" những giá trị thiêng liêng làm nên cốt cách của dân tộc Việt Nam. Trải qua những cuộc kháng chiến trường kỳ và gian khổ, hàng triệu người con ưu tú của đất nước đã ngã xuống nơi chiến trường. Nỗi đau chiến tranh không chỉ được ghi trong sử sách, mà còn hằn sâu trong từng gia đình, làng xóm, quê hương. Biết bao thương binh, bệnh binh trở về mang theo những vết thương không lành nhưng vẫn vững vàng, lạc quan, trở thành những tấm gương sáng về nghị lực sống và lòng yêu nước bất diệt. Hướng về Ngày Thương binh, Liệt sĩ 27/7, trên khắp mọi miền đất nước, rất nhiều các hoạt động tri ân đã và đang được tổ chức sâu rộng, đầy ý nghĩa như: thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, mẹ Việt Nam anh hùng, thăm viếng Nghĩa trang liệt sĩ, thắp nến tri ân, … Mỗi hành động tuy nhỏ nhưng chứa đựng tấm lòng biết ơn sâu sắc, là lời hứa thiêng liêng "Thế hệ hôm nay nguyện sống xứng đáng với sự hy sinh của các thế hệ cha anh đi trước."
Sáng ngày 22/7/2025, nhà trường đã tổ chức đoàn cán bộ, đến thăm hỏi và tặng quà bác Nguyễn Hoàng Hiệp sinh năm 1943, là thương binh hạng 4/4, bố đẻ của đồng chí Nguyễn Hoàng Phú, nhân viên nuôi dưỡng tận tụy, giàu trách nhiệm của nhà trường. Trong không khí đầm ấm, bác Hiệp xúc động kể lại những năm tháng chiến đấu không thể nào quên. Năm 1965, khi vừa tròn 22 tuổi, bác lên đường nhập ngũ và vào Trung đoàn 66 – Sư đoàn 304 – Quân đoàn 2, một trong những đơn vị chủ lực từng lập nhiều chiến công lừng lẫy trên các mặt trận Tây Nguyên - Chiến dịch Đắk Tô II.
Bác kể: "Chúng tôi hành quân qua nhiều chiến trường ác liệt: từ Quảng Trị, rồi lên Kon Tum. Có những ngày ròng rã vượt rừng cả tuần, thiếu ăn, uống nước suối, người đầy vắt và sốt rét. Nhưng chưa bao giờ chùn bước, vì ai cũng hiểu: hòa bình đâu tự nhiên mà có, và nếu mình không đi thì ai sẽ giành lại độc lập cho dân tộc".
Trong một trận đánh ác liệt tại Tây Nguyên năm 1969, đơn vị của bác bị địch tập kích giữa đêm. Khi đang chiến đấu yểm trợ cho đồng đội rút lui, bác trúng mảnh pháo ở vùng ngực và cánh tay, phải nằm lại trong rừng gần 03 ngày trước khi được đồng đội cáng ra tuyến sau. Vết thương đó để lại cho bác thương tật suốt đời, một dấu tích không bao giờ phai mờ của chiến tranh. Sau chiến tranh, bác Hiệp trở về quê hương, sống đời thường bình dị nhưng nghĩa tình. Dù tuổi đã cao, sức khỏe giảm sút, nhưng tinh thần người lính năm xưa vẫn vẹn nguyên, như chính bác chia sẻ:"Tôi tự hào vì đã góp phần nhỏ bé cho nền độc lập hôm nay. Nhìn con cháu được học hành, sống trong hòa bình, là tôi mãn nguyện rồi!" Buổi thăm hỏi khép lại trong niềm xúc động. Món quà tuy nhỏ, nhưng chứa đựng nghĩa tình sâu nặng của tập thể Trường Mầm non Hoa Mai gửi đến người có công với đất nước.
Đây là hoạt động không chỉ mang giá trị nhân văn sâu sắc, mà còn là bài học giáo dục đạo lý cho thế hệ hôm nay về lòng biết ơn, về trách nhiệm, và trên hết là sự tiếp nối truyền thống tốt đẹp mà cha ông đã để lại.
Cô giáo: Phan Thị Tú Mai và Đỗ Thị Hân công đoàn nhà trường đến thăm hỏi bác Hiệp
Tháng 7 tri ân không chỉ là lời nhắc nhớ về một quá khứ đau thương, mà còn là ánh sáng thắp lên niềm tin, hun đúc tinh thần sống đẹp, sống có trách nhiệm trong mỗi người. Vì nền độc lập, tự do thiêng liêng của Tổ quốc, các anh đã không tiếc máu xương nằm lại nơi chiến trường. Vì tương lai tươi sáng và hạnh phúc của hôm nay, chúng ta nguyện sống xứng đáng, sống trọn nghĩa – vẹn tình, để không phụ những hy sinh cao cả của thế hệ đi trước.