chế độ chính sách LĐ - TB- XH
Chính sách điều dưỡng Người có công là chính sách ưu đãi lớn thể hiện sự quan tâm thiết thực của Đảng, Nhà nước và thành phố Hà Nội đối với người có công, thân nhân liệt sĩ.
Căn cứ Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng; Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24/7/2021 của Chính phủ quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng; Nghị quyết số 24/2022/NQ-HĐND ngày 08/12/2022 của Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội về việc quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ người có công với cách mạng của thành phố Hà Nội; Hướng dẫn số 688/HD-SLĐTBXH ngày 28/02/2024 của Sở Lao động TB&XH Hà Nội về thực hiện chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe đối với người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ trên địa bàn Thành phố Hà Nội năm 2024.
Uỷ ban nhân dân Quận Hoàng Mai ban hành kế hoạch số 117/KH-UBND ngày 11/3/2024 về việc thực hiện chế độ điều dưỡng người có công với cách mạng năm 2024; Chỉ tiêu điều dưỡng của Quận gồm 1.971 người, trong đó nguồn Trung ương là 1.030 người (điều dưỡng tại Trung tâm 260 người, tại nhà 770 người); nguồn Thành phố là 941 người (điều dưỡng tại Trung tâm 260 người, tại nhà 681 người). Các đối tượng được điều dưỡng tập trung tại Trung tâm chia làm 04 đợt, thời gian điều dưỡng từ 25/3 đến 12/8/2024. Điều dưỡng tại nhà sẽ thực hiện 01 đợt vào cuối năm 2024.
Uỷ ban nhân dân Quận chỉ đạo phòng Lao động Thương binh và Xã hội, Uỷ ban nhân dân các phường căn cứ kế hoạch của Quận giao, thực hiện tốt việc điều dưỡng đối với người có công trên địa bàn, cụ thể như sau:
1. Đối tượng được điều dưỡng phục hồi sức khỏe theo nguồn kinh phí Trung ương gồm: (1) Đối tượng điều dưỡng 1 năm một lần: Lão thành cách mạng; Tiền khởi nghĩa; mẹ Việt Nam anh hùng; cha đẻ, mẹ đẻ liệt sĩ chỉ có một người con mà người con đó là liệt sĩ hoặc cha đẻ, mẹ đẻ có hai con là liệt sĩ trở lên; thương binh, bệnh binh từ 81% trở lên; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học từ 81% trở lên; người có công giúp đỡ cách mạng được Nhà nước tặng Kỷ niệm chương “Tổ quốc ghi công” hoặc “Bằng có công với nước”; (2) Đối tượng điều dưỡng 2 năm một lần: cha đẻ, mẹ đẻ của liệt sĩ; người có công nuôi dưỡng liệt sĩ khi liệt sĩ còn nhỏ; vợ hoặc chồng của liệt sĩ; con liệt sĩ bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến; thương binh, bệnh binh dưới 81%; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học dưới 81%; người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đầy; người có công giúp đỡ cách mạng trong kháng chiến đang hưởng trợ cấp hàng tháng.
2. Đối với đối tượng hưởng chế độ điều dưỡng thực hiện theo chính sách đặc thù của Thành phố: thuộc đối tượng điều dưỡng phục hồi sức khỏe 2 năm một lần, trong năm không thực hiện điều dưỡng theo nguồn kinh phí Trung ương thì được điều dưỡng theo nguồn kinh phí Thành phố theo Nghị quyết số 24/2022/NQ-HĐND ngày 08/12/2022 của Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ người có công với cách mạng của thành phố Hà Nội.
3. Chế độ điều dưỡng gồm điều dưỡng tập trung và điều dưỡng tại nhà:
Điều dưỡng tập trung mức chi bằng 1,8 lần mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng/01 người/01 lần (3.699.000đ) bao gồm tiền ăn, thuốc thiết yếu, quà tặng và các khoản chi khác và hỗ trợ (bằng tiền mặt): 1.000.000đ/người/01 lần (thực hiện cuối đợt điều dưỡng).
Điều dưỡng tại nhà: Mức chi bằng 0,9 lần mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng/01 người/01 lần (1.849.500đ) chi trả trực tiếp cho đối tượng.
4. Nhằm thực hiện có hiệu quả công tác điều dưỡng người có công cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị cũng như gia đình người có công, đặc biệt là sự phối kết hợp giữa phòng Lao động-Thương binh và Xã hội, UBND các phường, Trung tâm Điều dưỡng người có công số II Hà Nội, với những nhiệm vụ cụ thể là: (1) Quản lý các đối tượng, cập nhật kịp thời đối tượng đi điều dưỡng; đảm bảo thực hiện đúng chính sách, tránh trường hợp bỏ sót đối tượng. (2) Cử đúng đối tượng, đủ số lượng; mời người có công đến địa điểm tập trung đúng ngày, giờ theo kế hoạch, đảm bảo an toàn, thuận tiện (Các đối tượng người có công đều nhận được giấy mời chu đáo, trang trọng và trước 5 ngày đi điều dưỡng). (3) Lập danh sách điều dưỡng tại nhà, điều dưỡng tập trung của từng đợt, mời đối tượng đi điều dưỡng đảm bảo theo kế hoạch được giao. (4) UBND các phường tổ chức tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và Thành phố về công tác điều dưỡng người có công trên phương tiện thông tin đại chúng; đồng thời phổ biến rộng rãi chế độ, hình thức và chỉ tiêu điều dưỡng tới người có công trên địa bàn, đảm bảo người có công nhận được đầy đủ thông tin về chính sách điều dưỡng, cơ sở điều dưỡng, tiêu chuẩn điều dưỡng và thụ hưởng đúng, đầy đủ chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước.
Công tác điều dưỡng đối với người có công luôn được UBND quận Hoàng Mai, phòng Lao động TB&XH cũng như UBND các phường quan tâm triển khai thực hiện, hàng năm đều đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, góp phần thực hiện tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa” cũng như đáp ứng nhu cầu của người có công trong công tác chăm sóc, phục hồi sức khỏe./.
LĐTBXH
dịch vụ công
thời tiết các vùng
Hà Nội | |
Đà Nẵng | |
TP Hồ Chí Minh |