y tế - giáo dục

Phòng và xử trí sớm rubella.
Ngày đăng 16/04/2024 | 14:43  | View count: 25

Đầu năm 2024 tới nay, Bộ Y tế ghi nhận 78 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, rubella tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Các chuyên gia cảnh báo 2024 là năm dịch sởi có nguy cơ bùng phát theo chu kỳ 4-5 năm/lần, cần tiêm bù, tiêm vét cho số trẻ chưa được tiêm vắc xin. Hai chu kỳ gần nhất là 2019 và 2014, cả nước đều ghi nhận số ca mắc sởi tăng cao, riêng năm 2014 có hơn 110 trẻ tử vong. Thai phụ mắc sởi và rubella ngoài gặp biến chứng có thể tăng nguy cơ thai nhi dị tật, sảy thai, sinh non.

Gần đây, WHO đã đưa ra cảnh báo về việc tăng số ca mắc sởi, rubella và nguy cơ bùng phát dịch sởi ở nhiều quốc gia trên toàn thế giới. Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) nhận định rằng, sự tăng lên đáng kể của số ca mắc sởi/rubella trên thế giới là do tỷ lệ tiêm chủng giảm sút đáng kể do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến hàng triệu trẻ em có nguy cơ đối mặt với bệnh sởi. Tại Việt Nam, Thống kê từ chương trình Tiêm chủng mở rộng cho thấy, tỷ lệ tiêm chủng vắc xin trong năm 2023 đang thấp hơn so với những năm 2017-2019.

Bên cạnh sởi, rubella là bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp, bất cứ ai chưa có miễn dịch như chưa từng mắc bệnh hoặc chưa tiêm vắc xin đều có nguy cơ mắc bệnh khi tiếp xúc với nguồn lây. Có từ 20% đến 50% bệnh nhân nhiễm rubella không xuất hiện triệu chứng nên là nguồn lây khó kiểm soát.

Bệnh có các triệu chứng gồm sốt nhẹ, phát ban và viêm long nhẹ đường hô hấp, nổi hạch vùng cổ, chấm sau tai. Người lớn bị nhiễm bệnh, phổ biến hơn là phụ nữ, có thể bị viêm khớp và các khớp đau thường kéo dài từ 3-10 ngày. Các biến chứng hiếm gặp khác có thể xảy ra bao gồm: ban xuất huyết giảm tiểu cầu, viêm não…

Nếu thai phụ nhiễm virus Rubella, đặc biệt là trong 3 tháng đầu có thể dẫn đến sảy thai, thai chết lưu, sinh non hoặc trẻ sơ sinh bị dị tật bẩm sinh, được gọi là hội chứng Rubella bẩm sinh (CRS) khiến trẻ gặp nhiều vấn đề như sinh nhẹ cân, đục thủy tinh thể, điếc, chậm phát triển, dị tật tim, tật đầu nhỏ, thiểu năng trí tuệ.

Vắc xin phòng kết hợp sởi – quai bị – rubella có khả năng bảo vệ cao trước bệnh. Trong đó sau hai mũi vắc xin sởi – quai bị – rubella có hiệu quả 97% đối với bệnh sởi, khoảng 86% đối với bệnh quai bị và 89% đối với rubella.

Phụ nữ cần hoàn thành lịch tiêm sởi-quai bị-rubella trước mang thai 3 tháng để tránh mắc bệnh và truyền kháng thể bảo vệ thai nhi và con ở những tháng đầu đời. Người thân, người chăm sóc trẻ cũng cần rà soát sổ tiêm chủng để bổ sung các mũi tiêm còn thiếu và tiêm nhắc các mũi theo lịch khuyến cáo để củng cố hệ miễn dịch, tránh nhiễm bệnh cũng như trở thành người khỏe mạnh mang vi khuẩn nhưng không có biểu hiện triệu chứng lây bệnh cho các đối tượng nguy cơ cao.

Bên cạnh vaccine, mọi người cần áp dụng các biện pháp phòng bệnh sởi như hạn chế tối đa trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân mắc sởi vì bệnh có khả năng lây lan rất nhanh qua đường hô hấp; giữ vệ sinh cá nhân và vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát, khử trùng thường xuyên.

Người bệnh cần vệ sinh thân thể sạch sẽ, ăn uống đầy đủ các dưỡng chất, tăng cường các loại rau xanh, trái cây có nhiều vitamin C và uống nhiều nước, có thể uống thuốc hạ sốt khi sốt từ 38,5 độ trở lên, nhỏ mắt bằng nước muối sinh lý, bổ sung vitamin A để bảo vệ mắt theo hướng dẫn của bác sĩ. Trẻ còn bú mẹ vẫn tiếp tục cho bú và ăn thức ăn mềm, dễ tiêu, nấu chín kỹ, chia làm nhiều bữa nhỏ trong ngày.

Nếu có các dấu hiệu của bệnh như ho, sốt, chảy nước mũi, phát ban, cần cách ly và đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời. Không nên đưa trẻ điều trị vượt tuyến khi không cần thiết để tránh quá tải và lây nhiễm chéo trong bệnh viện./.

Nguồn: TTYT

thời tiết các vùng

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh