y tế - giáo dục

Trường Tiểu học Thịnh Liệt: Dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh hướng tới chương trình GDPT mới
Ngày đăng 26/08/2019 | 11:37  | View count: 582

Nhận thức được tầm quan trọng trong việc đổi mới phương pháp dạy học trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Hàng năm Ban giám hiệu Trường TH Thịnh Liệt luôn tổ chức các chương trình tập huấn cho giáo viên vào các dịp chuẩn bị bước vào năm học mới. Năm học 2019-2020, BGH nhà trường đã lựa chọn các nội dung, chuyên đề tập huấn “Dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh hướng tới chương trình giáo dục phổ thông mới trong các môn

     Tại Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nêu rõ: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học; khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc. Tập trung dạy cách học, cách nghĩ, khuyến khích tự học, tạo cơ sở để người học tự cập nhật và đổi mới tri thức, kỹ năng, phát triển năng lực. Chuyển từ học chủ yếu trên lớp sang tổ chức hình thức học tập đa dạng, chú ý các hoạt động xã hội, ngoại khóa, nghiên cứu khoa học. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy và học”. Để thực hiện tốt mục tiêu về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT theo Nghị quyết này cần có nhận thức đúng về bản chất của đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực người học và một số biện pháp đổi mới phương pháp dạy.

     Hội thảo chuyên đề là cơ hội để các giáo viên trong toàn trường trang bị các kiến thức và kỹ năng cơ bản về phương pháp luận dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Qua buổi hội thảo giáo viên đã nắm được bản chất của việc đổi mới phương pháp dạy học đang thực hiện bước chuyển từ chương trình giáo dục tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực của người học, nghĩa là từ chỗ quan tâm đến việc học sinh học được cái gì đến chỗ quan tâm học sinh vận dụng được cái gì qua việc học. Để đảm bảo được điều đó, phải thực hiện chuyển từ phương pháp dạy học theo lối "truyền thụ một chiều" sang dạy cách học, cách vận dụng kiến thức, rèn luyện kỹ năng, hình thành năng lực và phẩm chất. Tăng cường việc học tập trong nhóm, đổi mới quan hệ giáo viên - học sinh theo hướng cộng tác có ý nghĩa quan trọng nhằm phát triển năng lực xã hội. Bên cạnh việc học tập những tri thức và kỹ năng riêng lẻ của các môn học chuyên môn cần bổ sung các chủ đề học tập tích hợp liên môn nhằm phát triển năng lực giải quyết các vấn đề phức hợp.

     Phải phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động của người học, hình thành và phát triển năng lực tự học (sử dụng sách giáo khoa, nghe, ghi chép, tìm kiếm thông tin...), trên cơ sở đó trau dồi các phẩm chất linh hoạt, độc lập, sáng tạo của tư duy. Có thể chọn lựa một cách linh hoạt các phương pháp chung và phương pháp đặc thù của môn học để thực hiện. Tuy nhiên dù sử dụng bất kỳ phương pháp nào cũng phải đảm bảo được nguyên tắc “Học sinh tự mình hoàn thành nhiệm vụ nhận thức (tự chiếm lĩnh kiến thức) với sự tổ chức, hướng dẫn của giáo viên”.

     Việc sử dụng phương pháp dạy học gắn chặt với các hình thức tổ chức dạy học. Tuỳ theo mục tiêu, nội dung, đối tượng và điều kiện cụ thể mà có những hình thức tổ chức thích hợp như: học cá nhân, học nhóm; học trong lớp, học ở ngoài lớp. Cần chuẩn bị tốt về phương pháp đối với các giờ thực hành để đảm bảo yêu cầu rèn luyện kỹ năng thực hành, vận dụng kiểm tra vào thực tiễn, nâng cao hứng thú cho người học.

     Cần sử dụng đủ và hiệu quả các thiết bị dạy học môn học tối thiểu đã qui định. Có thể sử dụng các đồ dùng dạy học tự làm nếu xét thấy cần thiết với nội dung học và phù hợp với đối tượng học sinh. Tích cực vận dụng CNTT trong dạy học.

     Đúng như Marcel Proust đã nói: “Những cuộc phiêu lưu khám thực sự không nằm ở chỗ nhìn thấy những khung cảnh mới, mà ở chỗ có những cách nhìn mới”. Cốt lõi của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục là định hướng đổi mới giáo dục theo phát triển phẩm chất và năng lực của người học với 5 phẩm chất: “Yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm” và 10 năng lực cốt lõi trong đó có 3 nhóm năng lực chung “giao tiếp và hợp tác; tự chủ và tự học; giải quyết vấn đề và sáng tạo” và 7 năng lực chuyên môn: “ngôn ngữ, tính toán, tìm hiểu tự nhiên và xã hội, thẩm mỹ, thể chất, tin học, công nghệ” cùng với các năng lực chuyên biệt (năng khiếu) của người học. Vì thế dạy học theo hướng phát triển năng lực là tập trung vào đầu ra của quá trình dạy và học, chú trọng người học đạt được các năng lực nào sau khi kết thúc chương trình học.

     Dạy học hướng phát triển năng lực học sinh trước hết cần quan tâm nhiều tới hứng thú, kinh nghiệm, vốn sống của học sinh. Người học cần được tạo cơ hội để phát triển năng lực phù hợp với nhu cầu, điều kiện và đặc điểm cá nhân. Dạy học theo hướng phát triển năng lực được thực hiện trên cơ sở dạy học phân hóa; yêu cầu cần đạt đối với mỗi giao đoạn học tập và hướng đến hiệu quả sâu.

     Để vận dụng từ phương pháp luận vào các các bài giảng cụ thể cho các giáo viên dễ hiểu, dễ tiếp thu, BGH nhà trường đã phân công cho các giáo viên được cử đi tập huấn lên trình bày minh họa các tiết học với các hoạt động dạy học được triển khai cụ thể trong từng phần môn dạy: Khối 1,2, 3: trình bày phân môn TNXH; Khối 4, 5 trình bày môn khoa học, Lịch sử và Đia lí. Trên cơ sở các ví dụ minh họa cụ thể qua từng bài giảng và quá trình thảo luận giải đáp những thắc mắc trong quá trình giáo viên triển khai các hoạt động dạy học theo phương pháp dạy học mới, các đồng chí giáo viên đã nắm bắt được những kiến thức cơ bản của phương pháp “Dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh hướng tới chương trình giáo dục phổ thông mới”, từ đó mỗi đồng chí giáo viên dễ dàng áp dụng vào trong thực tế giảng dạy.

     Với những nội dung thiết thực đó, chương trình tập huấn đã thu hút đông đảo giáo viên của trường tham gia. Không khí các buổi tập huấn diễn ra sôi nổi, tích cực; chất lượng quá trình tập huấn được đánh giá cao. Bên cạnh việc trao đổi trực tiếp, nhóm tập huấn còn duy trì đa dạng kênh thông tin liên lạc (điện thoại, email, mạng xã hội) để liên tục hỗ trợ, thảo luận; giúp học viên có thể từng bước áp dụng các nội dung tập huấn vào chương trình năm học mới.

thời tiết các vùng

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh