Các đơn vị hiệp quản

Chung tay hướng đến một thế giới không còn bệnh sốt rét.
Ngày đăng 26/04/2024 | 10:44  | View count: 29

Ngày 25 tháng 4 hàng năm, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kỷ niệm ngày thế giới phòng chống sốt rét nhằm nhấn mạnh cam kết cộng đồng về bệnh sốt rét, cũng như sức mạnh toàn cầu trong việc đoàn kết vì mục tiêu chung hướng đến một thế giới không còn bệnh sốt rét.

Theo thống kê của WHO, năm 2017, đã có khoảng 219 triệu người mắc sốt rét ở 87 quốc gia và số ca tử vong do sốt rét khoảng 435.000 trường hợp. Tuy nhiên, căn bệnh này có thể phòng ngừa và chữa trị được. Việt Nam đã có thành công lớn trong phòng chống sốt rét và hiện đã sẵn sàng để thực hiện từ chiến lược phòng chống sốt rét sang loại trừ, phấn đấu đến năm 2030 loại trừ bệnh sốt rét trên toàn quốc.

Sốt rét là một căn bệnh lâu đời, hiện chưa có vắc-xin nhưng bệnh có thể phòng ngừa và điều trị khỏi. Ký sinh trùng sốt rét không tồn tại ở môi trường bên ngoài, chỉ tồn tại trong máu người và trong cơ thể muỗi truyền bệnh. Mọi người đều có thể nhiễm bệnh sốt rét. Khi điều trị kịp thời, người bị sốt rét thường có thể hồi phục hoàn toàn. Tuy nhiên, bệnh sốt rét nặng có thể tiến triển cực kỳ nhanh chóng và gây tử vong chỉ trong vòng vài giờ hoặc vài ngày. Đối với hầu hết các ca bệnh nặng phải có chế độ chăm sóc và điều trị đặc biệt, tỉ lệ tử vong có thể lên đến 20%. Bệnh sốt rét ở trẻ em gây mất máu và gây tổn thương não trực tiếp do sốt rét thể não. Những trẻ sống sót do sốt rét thể não có nguy cơ bị suy giảm thần kinh và nhận thức, rối loạn hành vi và động kinh.

Theo các bác sĩ chuyên khoa, việc chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời sốt rét có tính quyết định trong phòng ngừa dịch bệnh. Các biện pháp phòng bệnh sốt rét, gồm:

- Phòng muỗi đốt như: Đặt rèm che ở cửa ra vào và cửa sổ; sử dụng lưới chắn muỗi; xử lý quần áo và đồ dùng với các sản phẩm có chứa 0,5% permethrin, được bảo vệ thông qua một số lần giặt; sử dụng chất chống muỗi như DEET (diethyltoluamide) 25 đến 35% đối với da tiếp xúc; mặc áo sơ mi và quần dài tay bảo vệ, đặc biệt ở thời điểm giữa lúc trời sáng và trời tối, khi muỗi Anophen đang hoạt động.

- Vệ sinh môi trường xung quanh, loại bỏ nơi trú ẩn của muỗi như phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, sắp xếp các vật dụng ngăn nắp, sạch sẽ; định kỳ phun, tẩm hóa chất diệt muỗi.

- Những người đi làm ở vùng rừng núi và trở về từ các khu vực có sốt rét lưu hành cần mang theo màn để ngủ, trước khi đi nên đến cơ sở y tế để được cấp thuốc uống phòng và khi trở về phải đến cơ sở y tế để được khám, xét nghiệm; nếu có bị sốt rét sẽ được điều trị kịp thời.

- Khi thấy các triệu chứng của bệnh sốt rét như rét run, sốt nóng sau đó vã mồ hôi hoặc cảm thấy ớn lạnh, gai rét, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

- Nên trồng các loại cây sả, húng thơm, hương thảo, cúc vạn thọ trong nhà, sân vườn… vừa thân thiện với môi trường, vừa giúp phòng chống và xua đuổi muỗi hiệu quả.

Phòng chống bệnh sốt rét cũng như các bệnh truyền nhiễm khác, chỉ riêng ngành Y tế sẽ không thể giải quyết được vì nó liên quan nhiều đến các yếu tố kinh tế, xã hội, môi trường, đòi hỏi vai trò và trách nhiệm của các ban ngành và nhiều lĩnh vực khác nhau. Cùng với đẩy mạnh công tác xã hội hóa phòng chống sốt rét, trong đó truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng đóng vai trò rất quan trọng, góp phần chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân. Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống sốt rét năm 2024, mỗi người dân hãy cùng ngành y tế chung tay, nỗ lực cùng thực hiện các biện pháp phòng chống sốt rét để đạt được mục tiêu “Dồn tổng lực về đích loại trừ sốt rét tại Việt Nam và Duy trì bền vững kết quả loại trừ bệnh sốt rét trên địa bàn thành phố Hà Nội”./.

Nguồn: TTYT