Các phòng, ban trực thuộc

Quận Hoàng Mai tổ chức tập huấn lực lượng tuần tra canh gác đê năm 2024
Ngày đăng 17/07/2024 | 14:57  | View count: 168

Thực hiện Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 08/3/2024 của UBND quận Hoàng Mai về việc tăng cường công tác PCTT và TKCN năm 2024 trên địa bàn quận Hoàng Mai và Lệnh huy động số 24/LHĐ-PCTT&TKCN ngày 29/5/2024 của BCH PCTT&TKCN quận Hoàng Mai huy động lực lượng tuần tra canh gác đê năm 2024.

Từ ngày 12/7 đến ngày 14/7/2024, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN quận Hoàng Mai tổ chức tập huấn cho lực lượng làm nhiệm vụ tuần tra canh gác đê trên địa bàn Quận năm 2024 về kỹ thuật hộ đê, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Dự khai giảng lớp tập huấn có đồng chí Phạm Thị Kim Thành - Phó Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN Quận; Các đồng chí lãnh đạo - Hạt Quản lý đê số 5; các đồng chí Chủ tịch UBND các phường Lĩnh Nam, Trần Phú, Yên Sở, Vĩnh Hưng, Thanh Trì và các học viên là lực lượng làm nhiệm vụ tuần tra canh gác đê tại các các phường có đê. Giảng viên hướng dẫn là đồng chí Trần Ngọc Hà – Cán bộ Hạt Quản lý đê số 5. Các học viên được nghe đồng chí giảng viên giới thiệu hệ thống các công trình đê điều thuộc địa bàn Quận; tổ chức lực lượng và nội dung công tác tuần tra canh gác bảo vệ đê trong mùa mưa lũ; hướng dẫn ghi chép sổ tuần tra canh gác đê; nguyên tắc, biện pháp xử lý các sự cố về đê, kè, cống để sẵn sàng làm nhiệm vụ khi được huy động.

Phát biểu tại lớp tập huấn đồng chí Phạm Thị Kim Thành - Phó ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN Quận xác định rõ tầm quan trọng của công tác tuần tra canh gác đê, biện pháp phát hiện xử lý giờ đầu đối với các sự cố về đê điều; đồng chí cũng đã quán triệt đến các học viên và UBND các phường có đê
một số nhiệm vụ sau:

- Công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phải được tiến hành chủ động, đồng thời ứng phó kịp thời để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra (bao gồm: bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn lốc, sét, ... các loại thiên tai khác)

- Thực hiện có hiệu quả phương châm 4 tại chỗ là: “Chỉ huy tại chỗ;
lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ” và nguyên tắc: "Phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả".

- Huy động mọi nội lực sẵn có tại địa phương để xử lý nhanh khi có sự cố  ngay từ giờ đầu nhằm hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra. Chủ động khắc phục hậu quả sau thiên tai, nhằm ổn định sản xuất và đời sống, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội.

- Vận động, tuyên truyền để mọi người thấy được tác hại, hậu quả của các loại thiên tai và tích cực tham gia chuẩn bị phòng ngừa, chống tư tưởng chủ quan, ỷ lại.

- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về các loại hình thiên tai nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng, người dân về phòng, tránh, ứng phó từng loại thiên tai. Hình thành, phát triển lực lượng tình nguyện, xung kích trong công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong cộng đồng.

- UBND các phường xây dựng phương án phòng, chống ứng phó với thiên tai. Tổ chức huy động, sử dụng lực lượng, phương tiện trang thiết bị ứng cứu khi xảy ra sự cố thiên tai trên địa bàn; huấn luyện sử dụng thành thạo các trang thiết bị hiện có.

- UBND các phường tiếp tục thực hiện kiểm tra, xử lý các vi phạm pháp luật về đê điều, phòng chống thiên tai trên địa bàn theo quy định tại Nghị định số 03/2022/NĐ-CP ngày 06/01/2022 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai, thủy lợi, đê điều; tăng cường kiểm tra và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm hành chính về phòng, chống thiên tai, đê điều, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi theo Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 07/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ.

Buổi khai giảng lớp tập huấn kết thúc thành công tốt đẹp, trang bị đầy đủ kiến thức cần thiết cho các học viên khi xảy ra thiên tai hoặc sự cố đê điều, giúp các học viên ứng phó kịp thời và hiệu quả khi thiên tai xảy ra./.

Nguồn: phòng KT