Các phòng, ban trực thuộc

Tấm gương Thương binh "Tàn nhưng không phế"
Ngày đăng 01/08/2024 | 14:11  | View count: 107

Trải qua muôn vàn gian khổ trong chiến đấu, nhiều thương binh trở về cuộc sống đời thường với những vết thương còn đau nhức. Song với phẩm chất cao quý của Bộ đội Cụ Hồ, ông Lê Duy Ứng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, thương binh 1/4 vẫn luôn sống lạc quan, sống tiếp phần đời sáng đẹp.

Ông Lê Duy Ứng, sinh năm 1947 tại quê hương làng Cổ Hiền, xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Ông được thừa hưởng gen nghệ thuật từ người cha-họa sĩ, nhà báo Lê Yến. Năm 1967 ông học trường Đại học Mỹ Thuật Hà Nội. Năm 1971, khi đang là sinh viên năm 3 Đại học Mỹ thuật, ông đã xếp bút nghiên, tình nguyện viết đơn xung phong lên đường nhập ngũ. Sau 3 tháng huấn luyện ông được tham gia chiến đấu tại thành cổ Quảng Trị, đó là những ngày ác liệt nhất của 81 ngày đêm. Ngày 11/4/1975, Thiếu úy Lê Duy Ứng lúc đó theo đội hình hành quân thần tốc tiến vào miền Nam. Ông chia sẻ: "Tôi thuộc quân đoàn 2, tiến vào giải phóng căn cứ Nước Trong, sau khi giải phóng nó mình mới tiến vào Sài Gòn được. Đó là trận chiến ác liệt cuối cùng của chiến dịch Hồ Chí Minh". Nhiệm vụ chính của ông lúc đó là ghi lại hình ảnh chiến đấu anh dũng bằng máy ảnh, máy quay và ký hoạ. Trong trận hành quân thần tốc này, ông đã bị thương rất nặng và mất đi đôi mắt của mình. Nhưng cũng chính trong khoảnh khắc vô cùng bấp bênh để níu giữ sự sống, hình ảnh Bác Hồ hiện ra thật rõ nét, sáng ngời, như một niềm hy vọng để ông tiếp tục sống. Và giờ đây, máu đang chảy tràn, ông quyết định vẽ chân dung Hồ Chủ tịch bằng máu từ đôi mắt của mình. Trong những giây phút cuối cùng trước khi ông ngất đi vì vết thương quá nặng. Hai lần tắt thở, sau đó thậm chí đã bị đưa đi vào nhà xác nhưng không biết vì lẽ gì trái tim ông lại hồi phục. Trong túi áo ngực của mình, bức tranh vẽ bằng máu đó đã được ông cất giữ. Với ông, đó giống như một lá bùa may mắn. Ít ra thì trong giây phút sinh tử của đời mình, ông Lê Duy Ứng đã vin vào niềm tin ấy, lý tưởng ấy để có thể vượt qua tất cả. Một bức tranh vẽ Bác Hồ với dòng chữ: “Ánh sáng niềm tin! Con nguyện dâng Người tuổi thanh xuân”

Sau khi chiến tranh qua đi, Đại tá Lê Duy Ứng tuy mang trên mình thương tật 1/4 nhưng ông vẫn lạc quan sống. Bức tranh ông vẽ chân dung Bác Hồ bằng máu từ chính đôi mắt mình sau này vào năm 2010, đã được ông tặng cho Bảo tàng Hồ Chí Minh. Và hiện nay, bức vẽ ấy vẫn được những người trông coi Viện bảo tàng bảo quản hết sức cẩn thận. Bức chân dung như là một phần của cuộc chiến đã qua và nó là minh chứng rõ ràng nhất cho tình yêu Tổ quốc, cho sự hy sinh của người chiến sĩ.

Suốt cuộc đời mình, họa sĩ thương binh Lê Duy Ứng đã sáng tác hàng nghìn bức tranh, tượng giành nhiều giải thưởng, trong đó phần lớn là những bức tranh, tượng về Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông kể từng được đi nhiều nơi, tham gia giao lưu, thưởng lãm khắp mọi miền Tổ quốc và cả nước ngoài. Đối với ông, hội họa đã mang lại cảm hứng sống và một đời sống có ý nghĩa, bên trong màu đen của đôi mắt đã không còn nhìn thấy. Tính đến nay, ông đã có 45 cuộc triển lãm ở 3 miền đất nước và ở cả nước ngoài. Ông giành được 9 giải thưởng mỹ thuật trong nước và quốc tế. Năm 2013 ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Hiện nay, trong khuôn viên của ngôi nhà bốn tầng ở phố Đông Thiên, phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, ông dành tới ba tầng để trưng bày một số tác phẩm tranh, tượng của mình. Đó thực sự là một bảo tàng. Và có thể duy trì được sức sáng tạo tới ngày hôm nay đó chính là sự đam mê, say đắm với nghệ thuật. Họa sĩ chia sẻ rằng: "Tôi luôn nhớ lời Bác Hồ dạy rằng nếu muốn thành công với nghề thì cần có sự đam mê. Và một câu nói nữa của Bác mà tôi luôn để trong tâm tưởng là: "Thương binh tàn nhưng không phế". Chính vì vậy mà tôi luôn cố gắng sáng tạo và làm việc hết mình. Đồng thời tôi cũng nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự giúp đỡ, tạo điều kiện của chính quyền, cơ quan với thương binh như tôi. Tôi vô cùng xúc động với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, các cấp chính quyền. Những điều đó là động lực giúp tôi nỗ lực hơn và có thể tiếp tục sáng tác tới bây giờ".

Có thể nói, họa sĩ Lê Duy Ứng khi mất đi đôi mắt ông đã sáng tạo bằng một thứ ánh sáng mãnh liệt từ tâm hồn, từ trái tim. Ông trở thành một tấm gương sáng để thế hệ trẻ noi theo. Nhờ những tác phẩm của ông mà những giá trị về một thời bom đạn vẫn còn nguyên vẹn và trường tồn theo thời gian. Thế hệ trẻ sẽ nguyện viết tiếp trang sử hào hùng của dân tộc, noi gương các thế hệ cha anh đi trước, xây dựng Tổ quốc Việt Nam ngày càng giàu đẹp, văn minh./.

(Họa sĩ Lê Duy Ứng bên các tác phẩm trưng bày tại gia đình)