di tích lich sử văn hóa

Chùa Hoàng Mai (Nga My Tự)
Ngày đăng 20/02/2023 | 15:16  | View count: 315

Nga My Tự là tên chữ của ngôi chùa làng Hoàng Mai, nằm tại ngõ 160 đường Hoàng Mai, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, Hà Nội.

     Nga My Tự vốn là ngôi chùa cổ của làng Hoàng Mai, thuộc thái ấp của đại tướng Trần Khát Chân (1370 - 1399), đền thờ Ngài và ngôi đình làng cũng ở gần chùa. Theo nội dung khắc ghi trên một tấm bia đá cổ trong chùa thì Nga My Tự được sửa chữa lớn vào năm Hồng Đức 28 (1497). Lúc đó chùa gồm có tiền đường, nhà thiêu hương và thượng điện kết nối theo hình chữ “Đinh”.  Ngoài ra, văn bia còn cho biết ngôi chùa Nga My tương truyền được xây dựng ngay sau khi vua Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, tức là đến nay đã trải qua hàng nghìn năm. Theo các tài liệu cũ để lại, bởi thời gian làm vôi gỗ đổ nát hoặc bị chiến tranh tàn phá nên chùa đã được nhiều lần sửa chữa hoặc tôn tạo vào các năm 1624, 1705-1719, 1829, 1900, 1907.

     Tuy nhiên dấu tích xưa hầu như không còn gì nữa và sau những đợt trùng tu cuối cùng thì dáng dấp ngôi chùa mang phong cách nghệ thuật kiến trúc của thời Nguyễn với mặt bằng các công trình theo kiểu “nội Công ngoại Quốc”. Đến tháng 12-1972, tiền đường của chùa bị bom B52 của Mỹ hủy hoại nhưng ngay sau đó đã được phục hồi.

     Ngày 05/02/1994, chùa Nga My (và đình Hoàng Mai ở ngay bên cạnh) đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật Quốc gia. Sau cuộc đại trùng tu kéo dài từ năm 1994 đến 2002, chùa Nga My hiện nay nổi bật lên giữa con đường xóm dài bởi một cổng tam quan hoành tráng.

     Pháp môn tu tập của chùa Nga My thuộc Tịnh Độ tông, phần đông Phật tử là nữ giới. Ni trưởng Thích Đàm Hảo mới đây đã viên tịch ở tuổi 83, vị trụ trì tiếp theo là ni trưởng Thích Đàm Kim.  Năm 1994 ni trưởng Đàm Hảo và Phật tử đã hưng công trùng tu dãy giải vũ bên trái. Năm 1996 dựng lại dãy giải vũ bên phải. Năm 1998 trùng tu các tòa chính điện, đông đường, tây đường và các công trình khác. Năm 2002 lại cho sửa sang nhà thờ Tổ và xây giảng đường.

     Tam quan được xây theo phong cách kiến trúc thời Nguyễn, trên cổng giữa là một gác chuông kiểu hai tầng tám mái. Bậc thang lên gác dốc nhưng có lan can bảo vệ. Đáng chú ý ở đỉnh của các trụ biểu đều đắp những đôi phượng chụm đuôi duyên dáng nhưng để mộc, không sơn vẽ. Riêng chân đế trụ thì xây cao ngang đầu người, trông rất lạ.

     Đi qua cánh cổng gỗ dày, du khách bước vào một sân gạch khá lớn với tòa phương đình nhỏ làm nhà bia ở góc bên phải. Tiền đường lắp cửa bức bàn gồm năm gian, hai chái, tường hồi bít đốc, thềm cao, hiên rộng, cùng với thiêu hương và thượng điện. Ngoài thềm đặt bàn đá dốc trang trí mây lửa, nối hiên cửa giữa với sân trước. Bên trong tam bảo là điện Phật được bài trí tôn nghiêm.

     Tam quan và tam bảo chùa Nga My nhìn về hướng nam. Bên trái sân trước có cửa ngách dẫn vào chùa trong. Giữa sân sau lưng thượng điện là một lầu chuông xây theo kiểu phương đình hai tầng tám mái. Đầu của bốn đao trên đắp nổi hình đầu rồng, còn bốn đao dưới trang trí hoa văn thực vật. Phần cổ diêm giữa hai mái có hàng chấn song con tiện để lấy ánh sáng vào bên trong.

     Hai bên và phía sau lầu chuông là khu vực thờ Tổ, nhà Tăng, giảng đường và nhà thờ Mẫu. Cuối cùng là một vườn tháp mộ khá lớn. Tất cả mặt bằng trong khuôn viên hầu như đều được xây dựng, chỉ còn rất ít cổ thụ bên cạnh các chậu cảnh và vài cây nhỏ. Bên trái chùa là ngôi đình làng Hoàng Mai với các công trình xây thấp và đơn giản hơn nhiều.  Ngoài những tấm bia đá, trong chùa có một hệ thống tượng Phật giáo khá đầy đủ, phần lớn được tạo tác vào đầu thời Nguyễn. Đáng chú ý nhất là pho tượng A Di Đà mang phong cách nghệ thuật thuộc thế kỷ 17-18 và bộ tượng Tam Thế thuộc thế kỷ 19.  Đặc biệt tượng Bồ tát Quán Thế Âm đặt trên tòa chính điện có giá trị cao về nghệ thuật, một trong 2 tác phẩm cùng loại của Hà Nội được tạc rất sớm vào khoảng thế kỷ 16-17. Pho tượng này thể hiện Quan Âm với nghìn tay nghìn mắt ngồi trên đài sen, trong lòng mỗi cánh sen có một bông hoa cúc được cách điệu rất đẹp./.

Nguồn: phòng VHTT quận

thời tiết các vùng

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh

Bình chọn

Đánh giá thái độ tiếp công dân của cán bộ Một cửa quận