di tích lich sử văn hóa

Quận Hoàng Mai trọng thể tổ chức Lễ tưởng niệm 80 năm ngày hy sinh của đồng chí Hoàng Văn Thụ
Ngày đăng 27/05/2024 | 11:01  | View count: 217

Sáng 24/5, tại Tượng đài Hoàng Văn Thụ, phường Tương Mai, Quận ủy-HĐND-UBND-Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Hoàng Mai đã long trọng tổ chức Lễ dâng hương tưởng niệm 80 năm Ngày hy sinh của đồng chí Hoàng Văn Thụ (24/5/1944 - 24/5/2024)

Dự buổi lễ có các đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn; Phùng Thị Hồng Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Hà Nội. Cùng dự buổi lễ còn có các đồng chí lãnh đạo Thành ủy, Tỉnh ủy, HĐND, UBND; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của Thành phố Hà Nội và tỉnh Lạng Sơn; Các đồng chí lãnh đạo quận Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội; thành phố Lạng Sơn và huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn. Các đồng chí lãnh đạo xã Hoàng Văn Thụ, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn; phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang; phường Hoàng Văn Thụ, quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng; phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên; xã Hoàng Văn Thụ, huyện Chương Mỹ, Hà Nội; phường Bãi Cháy, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh…

Mở đầu buổi lễ, đại biểu các đoàn thành phố Hà Nội, tỉnh Lạng Sơn, quận Hoàng Mai và huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn đã thành kính dâng hoa, dâng hương tưởng niệm đồng chí Hoàng Văn Thụ.

Trình bày diễn văn ôn lại thân thế, sự nghiệp của đồng chí Hoàng Văn Thụ, Bí thư Quận ủy Hoàng Mai Nguyễn Xuân Linh khẳng định: Đồng chí Hoàng Văn Thụ đã cống hiến trọn vẹn cuộc đời cho sự nghiệp vẻ vang của Đảng, của dân tộc. Cuộc đời đấu tranh cách mạng sôi nổi của đồng chí Hoàng Văn Thụ đã nêu tấm gương sáng ngời về biểu tượng người chiến sỹ cộng sản kiên trung, bất khuất, sống anh hùng - hy sinh vẻ vang, luôn đặt lợi ích của Đảng, của Nhân dân, của dân tộc lên trên hết. Là một trong những đảng viên đầu tiên, đồng chí đã có những đóng góp to lớn trong việc xây dựng cơ sở cách mạng, tổ chức huấn luyện, đào tạo cán bộ, phát triển cơ sở đảng ở các địa phương, tạo ra sự chuyển biến rõ rệt trong cuộc vận động cách mạng ở Bắc Kỳ những năm 1929-1944.

Để ghi nhớ công ơn của Liệt sỹ Hoàng Văn Thụ và thể theo nguyện vọng của Nhân dân, năm 1994, Quận uỷ-HĐND-UBND quận Hai Bà Trưng đã quyết định xây dựng Nhà bia tưởng niệm Liệt sỹ Hoàng Văn Thụ, tại nơi mà Nhân dân làng Tương Mai đã bất chấp khủng bố, ngăn cản của địch, bí mật chôn cất và giữ gìn thi hài đồng chí ngay sau khi bị địch sát hại. Công trình đã hoàn thành vào đúng dịp tưởng niệm 50 năm ngày đồng chí hy sinh.

Được sự đồng ý của Thành phố, năm 2008, Khu tưởng niệm đồng chí Hoàng Văn Thụ đã được quận Hoàng Mai đầu tư, nâng cấp, mở rộng, đặc biệt là dựng mới tượng đồng chí Hoàng Văn Thụ. Khu tưởng niệm đồng chí Hoàng Văn Thụ là một công trình kiến trúc mang tính dân tộc và hiện đại, bảo đảm tính lâu dài, sau khi hoàn thành đã được đổi tên là “Vườn hoa Hoàng Văn Thụ” vào đúng dịp tưởng niệm 65 năm ngày đồng chí Hoàng Văn Thụ hy sinh (24/5/1944 - 24/5/2009) cũng như chào mừng kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của đồng chí và Đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội. Đồng thời, nơi đây được công nhận là “Di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh Thành phố”, “Di tích cách mạng kháng chiến ở Hà Nội” và “Di tích lịch sử-văn hóa cấp Thành phố”.

Tại buổi Lễ, các đại biểu đã tổ chức Lễ gắn bia địa điểm lưu niệm sự kiện cách mạng kháng chiến tại địa điểm Khu chung cư K35, phường Tương Mai, cách vườn hoa Hoàng Văn Thụ khoảng hơn 150m, xưa kia là Khu trường bắn Tương Mai - là nơi thực dân Pháp đặt máy chém để hành hình những chiến sỹ cách mạng và đồng bào ta vào những năm đầu thế kỷ 20, cũng là nơi địch đã xử bắn chiến sỹ cộng sản Hoàng Văn Thụ, Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng, Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ.

Đồng chí Hoàng Văn Thụ - người con ưu tú của dân tộc, cán bộ lãnh đạo xuất sắc của Đảng ta đã anh dũng hy sinh, để lại cho đời sau tấm gương kiên trung, bất khuất của người chiến sỹ cộng sản đã quên mình vì sự nghiệp giải phóng Nhân dân, giải phóng dân tộc.

Tiểu sử đồng chí Hoàng Văn Thụ:

Đồng chí Hoàng Văn Thụ người dân tộc Tày, sinh ngày 4/11/1909 tại thôn Phạc Lạn, tổng Nhân Lý, châu Văn Uyên (nay là xã Hoàng Văn Thụ, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn), trong một gia đình nông dân miền núi chịu thương, chịu khó. Là người con thứ ba (trong 4 chị em) của gia đình, lúc còn nhỏ đồng chí có tên là Hoàng Hảo Do, khi đi học lấy tên là Hoàng Văn Thụ. Ngay từ nhỏ được cha mẹ cho đi học chữ Nho ở trường làng, đồng chí đã tỏ ra là học sinh thông minh, chăm chỉ, ham hiểu biết, sống chân thành và dũng cảm.

Năm 1923, khi học tại trường tiểu học Pháp-Việt ở Lạng Sơn, hưởng ứng cuộc vận động của Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội, đồng chí đã tham gia thành lập nhóm thanh niên yêu nước ở Lạng Sơn; sau đó sang Trung Quốc tìm đường hoạt động cách mạng. Cuối năm 1928, đồng chí được kết nạp vào Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội và được giao nhiệm vụ vận động cách mạng vùng biên giới Việt - Trung.

Năm 1929, đồng chí làm việc tại xưởng máy Nam Hưng ở Nam Ninh (Trung Quốc). Tại đây, đồng chí đã tích cực hoạt động gây quỹ cho cách mạng và xây dựng được nhiều cơ sở quần chúng ủng hộ, giúp đỡ nhiều cán bộ cách mạng Việt Nam đang hoạt động tại Trung Quốc. Tháng 12/1929, đồng chí Hoàng Văn Thụ được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng.

Năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập trên cơ sở hợp nhất 3 tổ chức Cộng sản, đồng chí tham gia thành lập Chi bộ Cộng sản - chỉ đạo phong trào cách mạng tại 3 tỉnh miền núi Đông Bắc là Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn. Dưới sự chỉ đạo tích cực, sâu sát của tổ chức Đảng và đồng chí Hoàng Văn Thụ, một không khí cách mạng được dấy lên ở nhiều địa phương: Na Sầm, Đồng Đăng, chợ Kỳ Lừa, trường Pháp-Việt Lạng Sơn; các cơ sở cách mạng được hình thành từ Văn Uyên qua Thoát Lãng, Thất Khê.

Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 6 (9/11/1931), đồng chí được bầu làm Bí thư Xứ uỷ Bắc Kỳ, trực tiếp làm chủ bút Báo Giải phóng - cơ quan tranh đấu của Xứ uỷ Bắc Kỳ.

Năm 1938, đồng chí Hoàng Văn Thụ được Trung ương cử vào Ban lãnh đạo Xứ uỷ Bắc Kỳ, được phân công củng cố, phát triển cơ sở đảng ở những địa bàn trọng điểm, gặp nhiều khó khăn sau khủng bố trắng của địch như: Hải Dương, mỏ than Phấn Mễ (Thái Nguyên), mỏ than Hà Lầm (Quảng Ninh).

Tháng 11/1940, Hội nghị Trung ương lần thứ 7 đề ra Nghị quyết phát triển đấu tranh vũ trang, thành lập căn cứ địa du kích; đồng chí Hoàng Văn Thụ được bầu vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng và chịu trách nhiệm chỉ đạo thực hiện Nghị quyết này. Tại Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5/1941), đồng chí tham gia Ban lãnh đạo Tổng bộ Việt Minh, phụ trách công tác mặt trận và binh vận của Đảng; tham gia sáng lập tờ báo Cờ Giải phóng.

Ngày 25/8/1943, trên đường đi dự họp ở Hà Nội đồng chí bị mật thám bắt tại khu Tám Mái (Hà Nội) và bị giam ở nhà tù Hỏa Lò.

Trong thời gian bị địch giam cầm, trước mọi thủ đoạn thâm độc và tra tấn dã man của kẻ thù, đồng chí đã nêu cao khí tiết bất khuất của người chiến sỹ cộng sản. Những ngày sống trong xà lim, án chém, đồng chí vẫn dồn hết tâm sức, hiến dâng hơi thở cuối cùng của mình cho Đảng: đồng chí đã truyền những kinh nghiệm đấu tranh, lý luận và đạo đức cách mạng cho nhiều đồng chí khác; được đồng chí, đồng đội quý mến, kính phục. Tại phiên tòa đại hình do bọn thực dân mở, đồng chí đã tỏ rõ khí phách người cộng sản với những lời đanh thép: “Trong cuộc đấu tranh sinh tử giữa chúng tôi, những người mất nước và các ông, những kẻ cướp nước, sự hy sinh của những người như tôi là lẽ dĩ nhiên. Chỉ biết rằng: cuối cùng chúng tôi sẽ thắng”. Ý chí gang thép đó đã làm cho quân thù khiếp sợ; 5 giờ 30 phút ngày 24/5/1944, kẻ thù đã hèn hạ sát hại đồng chí Hoàng Văn Thụ tại trường bắn Tương Mai, khi đó đồng chí mới 35 tuổi.

Đồng chí Hoàng Văn Thụ đã cống hiến trọn vẹn cuộc đời cho sự nghiệp vẻ vang của Đảng, của dân tộc. Cuộc đời đấu tranh cách mạng sôi nổi của đồng chí Hoàng Văn Thụ đã nêu tấm gương sáng ngời về biểu tượng người chiến sỹ cộng sản kiên trung, bất khuất, sống anh hùng - hy sinh vẻ vang, luôn đặt lợi ích của Đảng, của Nhân dân, của dân tộc lên trên hết. Là một trong những đảng viên đầu tiên, đồng chí đã có những đóng góp to lớn trong việc xây dựng cơ sở cách mạng, tổ chức huấn luyện, đào tạo cán bộ, phát triển cơ sở đảng ở các địa phương, tạo ra sự chuyển biến rõ rệt trong cuộc vận động cách mạng ở Bắc Kỳ những năm 1929-1944. Sự hy sinh của đồng chí Hoàng Văn Thụ đã để lại cho mỗi người dân Việt Nam tấm gương tận trung với nước, tận hiếu với dân; những bài học quý báu về tinh thần đoàn kết, ý thức tự phê bình và phê bình trong Đảng, tình thân ái, thương yêu đồng chí, đồng đội và Nhân dân.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, với tinh thần lạc quan, bền chí, vững tin vào sự tất thắng của cách mạng, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã sáng tác nhiều bài thơ để cổ vũ, tuyên truyền vận động quần chúng làm cách mạng. Trong đó có bài thơ “Nhắn bạn” nổi tiếng, được làm trong lúc bị giam cầm chờ ngày ra pháp trường. Đây là bài thơ cuối cùng và cũng là lời di chúc để lại cho đồng chí, đồng đội trước lúc hy sinh:

“Việc nước xưa nay có bại thành

Miễn sao giữ trọn được thanh danh

Phục thù chí lớn không hề nản

Ngọc nát còn hơn giữ ngói lành.

Thân dẫu lao tù lâm cảnh hiểm

Chí còn theo dõi buổi tung hoành

Bạn hỡi gần xa hăng chiến đấu

Trước sau xin giữ tấm lòng thành”

“Lòng thành” - trung với Đảng, hiếu với dân, thuỷ chung, trong sáng với cách mạng, chính là lời nhắn nhủ của đồng chí Hoàng Văn Thụ gửi tới muôn đời thế hệ mai sau, để giữ vững nền độc lập, tự do của Tổ quốc, phấn đấu vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh.

 

thời tiết các vùng

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh

Bình chọn

Đánh giá thái độ tiếp công dân của cán bộ Một cửa quận