di tích lich sử văn hóa

Hoàng Mai - Di tích lịch sử văn hóa
Ngày đăng 07/04/2023 | 14:22  | View count: 700

Hoàng Mai là một trong 30 quận, huyện phía Nam của thủ đô Hà Nội, có vị trí địa lý: phía Đông giáp huyện Gia Lâm và quận Long Biên với ranh giới là sông Hồng; phía Tây và phía Nam giáp huyện Thanh Trì, phía Bắc giáp quận Hai Bà Trưng và quận Thanh Xuân. Vị trí địa lý có tầm quan trọng về quân sự, chính trị kinh tế và là vùng đất địa linh nhân kiệt với con người có truyền thống lịch sử, văn hóa, hiếu học, giàu trí sáng tạo, đoàn kết vượt qua gian nan thử thách, ngay cả trong những thời kỳ chiến tranh ác liệt nhất.

     Hoàng Mai được vinh danh mang tên Thái ấp cổ của Đô úy Trần Khát Chân, một vị tướng nổi tiếng tài giỏi thời Trần đã có công lao lớn trong việc bảo vệ nước Đại Việt vào cuối thế kỉ XIV. Sau khi chiến thắng giặc Chiêm Thành, ông được triều đình ban cho thái ấp là khu vực bốn làng mai: Hoàng Mai (Hoàng Văn Thụ), Tương Mai, Hồng Mai (Bạch Mai) và Mai Động. Ông đã có công khai phá và xây dựng mảnh đất Hoàng Mai trù phú, phát triển và thịnh vượng. Quá trình thay đổi địa danh Hoàng Mai được tóm lược như sau: cuối  thời Lê -đầu  thời Nguyễn , Hoàng Mai là tên một tổng và một xã thuộc huyện  Thanh Trì , phủ  Thường Tín , trấn Sơn Nam Thượng (đến năm  1831  thuộc tỉnh  Hà Nội ). Theo  Đồng Khánh địa dư chí , tổng Hoàng Mai có 10 xã, thôn: Xã Phương Liệt, Thôn Giáp Nhất xã Thịnh Thôn Giáp Tứ Liệt, Thôn Giáp Nhị, Thôn Giáp Bát, Xã Tương Mai, Xã Hoàng Mai, Xã Mai Động, Thôn Giáp Lục, Thôn Giáp Thất. Năm  1899 , vùng đất Hoàng Mai thuộc Khu vực Ngoại thành Hà Nội (từ  1915  là huyện Hoàn Long thuộc tỉnh  Hà Đông ), đến năm  1942  lại thuộc Đại lý đặc biệt Hà Nội. Năm  1954 , thành phố Hà Nội được chia thành 4 quận nội thành với 34 khu phố và 4 quận ngoại thành với 46 xã, phần lớn địa bàn quận Hoàng Mai lúc bấy giờ thuộc Quận VII.

     Ngày  31/5 / 1961 , Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 78-CP chia Hà Nội thành 4 khu phố nội thành và 4 huyện ngoại thành, địa bàn quận Hoàng Mai lúc này tương ứng với 10 xã: Đại Kim, Định Công, Đoàn Kết (không kể phố Giáp Bát), Hoàng Liệt, Hoàng Văn Thụ (bao gồm cả thôn Mai Động, không kể phố Mai Động), Lĩnh Nam, Thanh Trì, Trần Phú, Vĩnh Tuy (không kể thôn Đoài), Yên Sở thuộc huyện Thanh Trì. Năm  1964 , xã Đoàn Kết đổi tên thành xã Thịnh Liệt.

     Ngày  9/8 / 1973 , hai thôn  Giáp Bát Giáp Lục  của xã  Thịnh Liệt , thôn  Tương Mai  và một phần đất thôn  Mai Động  thuộc xã  Hoàng Văn Thụ , huyện Thanh Trì được cắt về khu phố  Hai Bà Trưng . Ngày  13 tháng 10  năm  1982 , thành lập phường  Mai Động  thuộc quận Hai Bà Trưng và tách xóm Mã Cả của xã Hoàng Văn Thụ thuộc huyện Thanh Trì về phường  Tương Mai , quận Hai Bà Trưng. Ngày  14 tháng 3  năm  1984 , chia phường Giáp Bát thuộc quận Hai Bà Trưng thành 2 phường Giáp Bát và  Tân Mai . Ngày  26/10 / 1990 , chuyển toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã  Hoàng Văn Thụ  thuộc huyện Thanh Trì về quận Hai Bà Trưng quản lý và chuyển thành phường Hoàng Văn Thụ.

     Ngày 0 6/11 / 2003 , Chính phủ ban hành Nghị định số 132/2003/NĐ-CP. Theo đó: Tách 9 xã: Định Công, Đại Kim, Hoàng Liệt, Thịnh Liệt, Thanh Trì, Lĩnh Nam, Trần Phú, Vĩnh Tuy, Yên Sở, 55 ha diện tích tự nhiên của xã  Tứ Hiệp  thuộc huyện  Thanh Trì  và 5 phường: Mai Động, Tương Mai, Tân Mai, Giáp Bát, Hoàng Văn Thụ thuộc  quận Hai Bà Trưng  để thành lập quận Hoàng Mai. Chuyển 8 xã: Định Công, Đại Kim, Hoàng Liệt, Thịnh Liệt, Thanh Trì, Lĩnh Nam, Trần Phú, Yên Sở thành 8 phường có tên tương ứng. Chuyển xã Vĩnh Tuy thành phường Vĩnh Hưng.

     Theo kết quả tổng kiểm kê di tích năm 2015, quận Hoàng Mai có tổng số 87 di tích lịch sử, trong đó có 37 di tích Quốc gia và 15 di tích cấp Thành phố và 35 di tích chưa xếp hạng. Với diện tích tự nhiên và số lượng di tích như đã nêu trên, có thể thấy Hoàng Mai có mật độ di tích khá dày đặc, loại hình khá phong phú, đa dạng, có giá trị tiêu biểu về kiến trúc nghệ thuật, lịch sử văn hoá, cách mạng kháng chiến…Các di tích này là những công trình văn hóa - sản phẩm của sự kết tinh đời sống vật chất, và đời sống tinh thần của người dân Hoàng Mai qua chiều dài lịch sử. Do đó, hệ thống di tích quận Hoàng Mai cần được giới thiệu một cách toàn diện và có hệ thống đối với nhân dân trong quận và bạn bè, du khách gần xa.

     Về truyền thống văn hóa, vào khoảng thế kỷ II - III, người Việt đã biết dùng vàng bạc làm đồ trang sức. Đất tổ của nghề vàng là Định Công (nay thuộc vùng đô thị hóa đông đúc phường Định Công, quận Hoàng Mai). Riêng đất tổ của nghề bạc thì ở Đồng Xâm (Thái Bình), tổ đúc thì là Châu Khê (Hải Dương). Đây là nghề gia công đồ trang sức, hàng mỹ nghệ bằng kim loại quý hiếm. Thực ra có mấy nghề khác nhau: nghề "chạm" tức là nổi các hình, hoa văn lên mặt đồ kim loại vàng bạc; "trổ" tức là tạo hoa văn thủng; "đậu tức là kéo vàng bạc đã nấu chảy thành những sợi chỉ rồi uốn ghép thành hình chim thú, hoa lá...; "trơn" là những hàng chỉ có đánh bóng. Các nghề này phối hợp với nhau tạo nên sản phẩm hoàn chỉnh. Những nét chạm trổ uyển chuyển mềm mại, những sợi chỉ vàng chỉ bạc uốn lượn hài hòa kết hợp với màu sắc của vàng, độ bóng ánh của bạc đã làm tăng độ hấp dẫn, sang trọng cho những chiếc dây chuyền, vòng tay, hoa tai, nhẫn, đĩa bạc, chén bạc, hộp đồ trang sức... trên đôi tay khéo léo của con người Định Công một vùng đất tổ của nghề kim hoàn.

     Quận Hoàng Mai có nhiều  làng nghề   ẩm thực  nh­ư làng nghề  bánh cuốn Thanh Trì  (ph­ường Thanh Trì),  rượu  Hoàng Mai, làng  bún  Tứ Kỳ,  bún ốc  Pháp Vân (ph­ường Hoàng Liệt),  đậu phụ  Mơ (phường  Mai Động ). Ngoài ra, ph­ường Vĩnh Hư­ng và phường Lĩnh Nam có nghề trồng  hoa rau  sạch; phường Yên Sở có làng   Yên Sở. Hoàng Mai là vùng đất có chiều sâu văn hóa với nhiều lễ hội, nhiều phong tục tập quán truyền thống còn lưu giữ cho đến ngày nay. Tương tự như nhiều vùng, miền trên cả nước, quận Hoàng Mai hiện đang chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của xu thế công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thi hóa trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Trên vùng đất quận Hoàng Mai nhiều khu công nghiệp đã, đang hình thành và phát triển; các làng quê cũng đang thay đổi từng ngày. Sự biến đổi nhanh chóng về điều kiện tự nhiên, môi trường sinh thái; về kinh tế, văn hóa, xã hội... Một trong số đó là bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa. Đó là các công trình xây dựng, địa điểm, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc công trình, địa điểm ấy có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học. Trong đó việc gìn giữ tất cả các di vật, cổ vật, đồ thờ tự có trong di tích có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc phát huy giá trị của di tích phục vụ đông đảo quần chúng nhân dân.

Nguồn: phòng VHTT quận

thời tiết các vùng

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh

Bình chọn

Đánh giá thái độ tiếp công dân của cán bộ Một cửa quận