Các đơn vị hiệp quản

Kỷ niệm Ngày Thế giới phòng, chống lao năm 2024.
Ngày đăng 22/03/2024 | 15:55  | View count: 46

Bệnh lao (Hay lao hoạt động) là một bệnh truyền nhiễm, do vi khuẩn lao (Mycobacteriumtubercurosis) gây nên, có thể gặp ở tất cả các bộ phận trên cơ thể. Trong đó, lao phổi là thể phổ biến nhất chiếm 80-85% và là nguồn lây chính cho người xung quanh. Ngoài ra, lao có thể gây bệnh tại nhiều bộ phận khác nhau trong cơ thể. Khi người bệnh mắc lao ngoài phổi, các dấu hiệu và triệu chứng sẽ khác nhau. Ví dụ, lao cột sống sẽ có triệu chứng đau lưng, lao ở thận bệnh nhân có thể tiểu ra máu. Khác với lao tiềm ẩn, người bệnh lúc này có những dấu hiệu của lao như ho, ho ra máu, sốt, sút cân, khó thở,.. Kết quả xét nghiệm tìm thấy trực khuẩn lao hoặc có bằng chứng mô bệnh học của bệnh lao. Bệnh lao là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ hai trong các bệnh nhiễm trùng. Mỗi năm có khoảng 10 triệu bệnh nhân lao mới và 1,5 triệu người tử vong trên toàn cầu.

Ngày Thế giới phòng, chống lao 24/3 hàng năm là dịp nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với bệnh lao, đẩy mạnh nỗ lực chấm dứt dịch bệnh lao trên toàn cầu. Chủ đề của Ngày Thế giới Phòng chống Lao năm 2024 là: “YES! WE CAN END TB” (ĐÚNG! CHÚNG TA CÓ THỂ CHẤM DỨT BỆNH LAO).

 Chủ đề năm nay mang đến niềm hy vọng và niềm tin mạnh mẽ như một lời khẳng định đanh thép của tất cả chúng ta rằng việc chấm dứt bệnh lao là hoàn toàn có thể. Chủ đề nhấn mạnh về việc huy động sức mạnh tổng thể, thu hút sự quan tâm, tập trung mọi nguồn lực nhằm đẩy mạnh cuộc chiến chống bệnh lao.
Những dấu hiệu của bệnh lao phổi: Ho khạc kéo dài trên 2 tuần là triệu chứng hay gặp nhất của bệnh lao phổi, ngoài ra có thể kèm theo các triệu chứng khác: Ho ra máu, sốt nhẹ kéo dài, đổ mồ hôi ban đêm, đau tức ngực, gầy sút cân.
 1. Ngay tháng đầu sau sinh, tất cả trẻ đều phải tiêm phòng vắc-xin BCG nhằm giúp ngăn ngừa mắc bệnh lao;

2. Mọi người khi ho kéo dài hơn 02 tuần cần đi khám, xét nghiệm đờm, chụp X.quang phổi để phát hiện bệnh lao;

3. Khi mắc bệnh lao phải điều trị càng sớm càng tốt, tránh lây lan cho những người trong gia đình và cộng đồng. Bên cạnh đó, bệnh nhân lao không được khạc nhổ bừa bãi, tốt nhất đeo khẩu trang liên tục trong 02 tháng đầu điều trị. Cần phơi chăn, chiếu, vật dụng của bệnh nhân lao ra nắng mỗi ngày; Giữ vệ sinh môi trường, nhà ở thông thoáng, rèn luyện nâng cao sức khoẻ, đảm bảo dinh dưỡng hợp lý.

4. Các trường hợp tiếp xúc với bệnh nhân lao phải đi khám để bác sỹ chuyên khoa xem xét, nếu có nhiễm lao phải được điều trị lao tiềm ẩn để không trở thành bệnh nhân lao.

Nhằm tuyên truyền sâu rộng tới nhân dân nhân Ngày Thế giới phòng chống lao ngày 24/03 tại 14 phường trên địa bàn quận Hoàng Mai đã thực hiện: phát thanh tuyên truyền, treo băng rôn khẩu hiệu tại cơ sở, phát tờ rơi, sổ tay về bệnh lao, tuyên truyền trực tiếp về phòng chống bệnh lao và thảo luận nhóm nhỏ… với các nội dung của Ngày Thế giới Phòng chống Lao năm 2024 như:

- Đúng! Việt Nam có thể chấm dứt bệnh lao!

- Phát huy vai trò của cơ sở y tế trong công tác phòng chống lao.

- Mạng lưới cơ sở y tế đủ năng lực triển khai hoạt động rộng khắp là lá chắn bảo vệ cộng đồng trước bệnh lao.

- Tăng cường ứng dụng công nghệ cao trong điều trị bệnh phổi và lao kiểm soát.

- Trị lao cho hết một lần – Cho con khỏe mạnh mười phần an tâm.

- Lao tiềm ẩn - Không ho chẳng sốt - Nhớ đừng chủ quan.

- Dù mắc lao - Đừng lo lắng - Sẽ không sao - BHYT sẽ lo âu - Chia gánh nặng.

- Ho, sốt, mệt mỏi, sụt cân - Khám lao ngay - Đừng phân vân.

- Thay kỳ thị - Bằng động viên - Chung tay đẩy lùi bệnh lao!

- Nguy cơ mắc lao không phân biệt ai!

- Đúng thuốc - Đúng liều - Đủ thời gian - Bệnh lao sẽ khỏi.

- Sàng lọc sớm - Tránh trở nặng - Ngừa tử vong.

- Sàng lọc lao - Tiếp cận dễ dàng - Phương pháp hiện đại - Chính xác tuyệt đối.

- Vì sức khỏe Việt Nam - Hãy cùng hành động để chấm dứt bệnh lao vào năm 2035!

Phòng chống lao là trách nhiệm của các cấp, các ngành và bản thân mỗi người dân, tiến tới thanh toán bệnh lao./.

Nguồn: TTYT