di tích lich sử văn hóa

Di tích lịch sử đình Đại Từ
Ngày đăng 31/12/2021 | 11:10  | View count: 927

Đình Đại Từ thuộc phường Đại Kim là nơi thờ Đức Thánh Thành hoàng - Bảo Ninh Vương, Ông vốn là học trò của thầy giáo Chu Văn An. Lễ hội Đình Đại từ được tổ chức vào ngày 10 tháng hai âm lịch hàng năm.

     Đình Đại Từ theo truyền thuyết là nơi thờ phụng một vị Thủy thần có công làm mưa chống hạn cho dân. Cùng thờ Bảo Ninh Vương hiện có 7 làng và hai phường thuộc quận Hoàng Mai đó là: Bằng Liệt, Linh Đàm, Tứ Kỳ (phường Hoàng Liệt), Đại Từ (Đại Kim), Hữu Thanh Oai (xã Hữu Hòa) và Lê Xá  (huyện Thanh Oai). Trong cuốn sách “Lĩnh Nam Trích quái”, nhà xuất bản Văn học Hà Nội năm 2001 của Vũ Quỳnh - Kiều Phú, trang 168 gọi là “Thần Chằm Lân Đàm” được viết tóm lược như sau: Đời Đại Khánh, Chu Văn An dạy học ở Cung Hoàng có một người học trò khôi ngô tuấn tú đến xin học, ngôn ngữ cử chỉ khác hẳn người thường, Ông lấy làm ngờ dò xem người ấy ở đâu. Một hôm thầy dậy sớm, trông ra xa thấy người ấy ở dưới nước đi lên. Bấy giờ trời đại hạn đã lâu, các địa phương cầu đảo đều không ứng nghiệm, ông bèn đem thực tình nói với người ấy. Người học trò lúc đầu còn thoái thác, sau khi ông thành tâm cầu khẩn mới nói: vì trời hạn hán nên tôi mới tranh thủ thời gian rảnh rỗi đi chơi, hiện nay tứ Hải, tam Hà, cửu Giang, Tứ độc cùng các khe cứ ở các địa phương đều có lệnh cấm. Chỉ có một chút nước trong cái nghiêng làm sao mà tưới khắp được mọi chỗ. Nhưng đã là lời dạy bảo của Thầy, con sẽ xin chút, giải nỗi khổ khô khan cho một tổng. Bảo Ninh Vương thưa với Chu Văn An “con biết trái lệnh triều đình là sẽ bị phạt, nhưng con xin làm để tuân lời thầy và giúp dân”. Sau đó thần lấy nghiên mực và đem bút ra giữa sân mài mực đầy nghiên, rồi ngửa mặt lên trời đọc thần chú, cầm bút thấm mực, rồi ném tung cả nghiên bút lên trời, lập tức mây đen kéo đến và đổ một trận mưa rất to, rất lớn kéo dài đến tối. Sau đó có tiếng sét đánh và trời ngớt mưa nhưng cánh đồng đã no nước, lúa đã được cứu sống. Sáng hôm sau dân làng thấy một thuồng luồng bị sét đánh chết nổi lên ở đầm. Chu Văn An được tin đó cho là người học trò mình đã thác. Ông thương tiếc vô hạn, sai người làm lễ an táng. Nhân dân các vùng lân cận kéo đến giúp sức và sau đó lập đền thờ để tưởng nhớ công đức của thần. Các triều vua đều sắc phong là Thượng Đẳng thần.

     Câu chuyện sử trên cứ dài mãi trong mong tưởng của dân gian và truyền lại như sau: chỗ nghiên mực bị ném rơi xuống biến thành cái đầm nước đen gọi là Đầm mực ở thôn Quỳnh Đô. Còn quản bút rơi xuống làng Tả Oai (có tên nôm là làng Tó), vì thế làng này trở thành làng văn nổi tiếng có các danh nhân như: Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Nha, có 7 làng xung quanh Đại Kim nổi tiếng ứng nghiệm mỗi khi làm lễ cầu mưa.

     Bên cạnh những truyền thuyến lịch sử huyền bí linh thiêng về vị thủy thần thờ tại nơi đây, Đình Đại Từ còn là một cụm công trình kiến trúc nghệ thuật lịch sử khi còn lưu giữ được nhiều di vật có giá trị như ngai thờ mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX, khám thờ trang trí trạm nổi, chạm thủng hình rồng chầu mặt nguyệt, hoa lá có phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX và hệ thống hoành phi, câu đối, kiệu thờ, hạc thờ, bát bửu, đỉnh đồng, ngựa thờ, tạo nên nét cổ kính, linh thiêng của di tích.

     Từ ngoài vào là Nghi môn xây kiểu bốn cột trụ biểu, hai trụ giữa đỉnh trụ là hình bốn chim Phượng chụm đuôi vào nhau quay về bốn hướng tạo hình chái giàng, phần ô lồng đèn đắp nổi đề tài tứ linh, thân trụ bổ khung ghi câu đối; hai cột bên nhỏ hơn, đỉnh trụ đặt hai nghê, phần dưới là ô lồng đèn đắp nổi đề tài tứ quý. Qua nghi môn là hòn non bộ, tiếp đến là sân gạch lối vào khu thờ tự gồm: nhà Tiền tế, Trung tế và hậu cung, theo lối kiến trúc truyền thống với mái lợp ngói ta, bốn góc đao uốn cong, bờ nóc đắp hình lưỡng long chầu nguyệt, bờ dải đắp kiểu bờ đinh, hệ thống cửa nhà Tiền tế trạm trổ theo đề tài “Tứ linh”, “Tứ quý”, hai trái phía trước trổ hình chữ Thọ để lấy ánh sáng, nền nhà lát gạch bát, bậc thềm tam cấp và hệ thống vì kèo kết cấu kiểu “giá chiêng”.  

     Trung tế là nếp nhà một gian, làm kiểu trồng diêm, hai tầng tám mái, chính giữa bờ nóc là hình mặt trời, các góc đao uốn cong, phần cổ diêm trang trí bốn ô hình vuông được chia đều xung quanh, mái lợp ngói ta, khung đỡ mái bằng hai bộ vì kèo.

     Hậu cung là nếp nhà 3 gian, xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta, bờ nóc đắp kiểu bờ đinh, hai đầu hồi đắp hình hổ phù, bên dưới trổ hai cửa sổ, phân mái phân “thượng nhị, hạ tam”, gồm 4 vì đỡ mái kết cấu kiểu “kèo cầu quá giang”, nền nhà lát gạch men. Tại giữa hậu cung đặt long ngai bài vị Thành hoàng, bên trên là bức đại tự “Uyên do phổ huệ” (Uyên thâm thông tuệ), hiện nay trong Đình còn bảo lưu một số câu đối bằng chữ hán có nội dung ca ngợi vị thần được thờ:

“Thánh thần văn vũ tam đức phối càn khôn

Trung tính húy tinh nhất khí phân hà hải”

Dịch nghĩa:

“Thánh thần văn võ tam đức phối trời đất

Trung chính tinh anh nhất khí chia sông biển”./.

thời tiết các vùng

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh

Bình chọn

Đánh giá thái độ tiếp công dân của cán bộ Một cửa quận