di tích lich sử văn hóa

Di tích lịch sử đình Định Công
Ngày đăng 12/01/2022 | 15:24  | View count: 834

Định Công là một làng cổ, nằm kề bên bờ sông Tô Lịch, trong địa bàn sinh tụ chính của cư dân Việt cổ thời dựng nước nên ở đây đã trở thành một vùng quê sầm uất, cư dân đông đúc. Truyền thuyết kể lại rằng: Đời vua Hùng Nghị vương (Hùng vương thứ 17) sau khi ở Châu Ái (Thanh Hóa) về, vua và bà Phi ngự thuyền dọc sông Tô Lịch.

     Thuyền đến bờ sông, bà Phi trở dạ sinh được một người con trai tướng mạo khôi ngô, sau lưng có 28 chiếc vảy hình 28 ngôi sao, dân làng dựng nhà cho bà Phi tá túc, chăm sóc sinh nở, vua ban thưởng cho dân làng này 1000 quan tiền và đặt tên là Trang Định Công.

     Theo các nguồn tư liệu hán nôm như thần tích, sắc phong, hoành phi, câu đối, cho biết đình Định Công thờ Hoàng Công (Chàng Sơ) là người văn võ song toàn. Năm 16 tuổi lúc đó trời làm đại hạn, nhân dân nhiều nơi đói khổ, lập đàn tràng làm lễ cầu mưa. Ông đi đến đâu thì cuộc sống ở đó yên ổn, trời đất mát mẻ, nhân dân no ấm. Sau này Ông có công dẹp tan giặc, bắt sống tướng giặc là Hách Phú nổi loạn tại Châu Hoan, Châu Đông Hý và Châu Hàn được vua phong cho chức Phụ Chính Quốc Tể Đông Hý Hầu. Sau này khi giặc Thục sang xâm lược, ông cùng các tướng lĩnh dâng kế đánh giặc, sau đó Ông được vua giao cho trấn giữ miền bộ Quảng Đông trong 5 năm khi trên đường về đến Châu Ái, huyện Hoằng Hóa ngày nay đến cửa bể Bích Hải tự nhiên trời đất tối mù, sóng cồn nổi lên và Ông hóa tại đây, nhà vua nghe tin rất thương tiếc bèn hạ lệnh cho dân Bích Hải lập Đền thờ; riêng Trang Định Công cho trùng tu cung miếu, hàng năm xuân thu nhị kỳ các quan đến làm lễ. Nơi hành cung được đổi thành đền thờ và phong cho Ông mỹ tự “Thượng đẳng phúc thần” cùng với vua hưởng lộc muôn đời.

     Vị thần thứ hai được thờ tại Đình là Đoàn Thượng, quê ở xã Xuân Độ, huyện Gia Lộc (Hải Dương), em nuôi cùng một nhũ mẫu với vua Lý Huệ Tông được vua cử đi dẹp giặc ở Hồng Châu và trấn thủ vùng ven biển xứ Đông. Khi nhà Lý mất ngôi, ông về Hồng Châu đắp thành lũy tại vùng An Nhân, xưng là Đông Hải Đại Vương, hùng cứ một phương giữ nghĩa lớn không theo nhà Trần. Bây giờ Nguyễn Nộn chiếm giữ vùng Lạng Giang, Trần Thủ Độ mang quân đi đánh dẹp không hàng phục được, mới chịu phong Nguyễn Nộn làm Hoài Đạo Vương và lập mưu xui Nguyễn Nộn đánh Đoàn Thượng. Nguyễn Nộn nghe theo viết thư giả cầu hòa, đại ý trong thư nói:

     “Trước đây tôi không biết Ông có lòng diệt nhà Trần lấy lại giang sơn cho nhà Lý nay được biết lòng trung nghĩa của Ông, Tôi xin cùng ông hội thề như môi với răng dựa nhau để khôi phục nhà Lý”. Ông tin lời Nguyễn Nộn, bèn cùng em khác mẹ là Tần Hải Công đem theo một toán quân về Bắc Giang hội thề. Nguyễn Nộn đã đặt phục binh tại xứ Đồng Dao thuộc Yên Phú (Bắc Ninh ngày nay) đánh úp Ông. Lúc này khi Ông đang mải đánh Nguyễn Nộn, thì quân nhà Trần từ Văn Giang kéo lên, Ông quay sang phía Tây đánh quân Nhà Trần và bị một nhát đao chém từ đằng sau vào cổ, đầu gần rơi, Ông liền cởi thắt lưng quấn lấy cổ, nổi giận phóng ngựa về phía đông, đến một gò đất thuộc xã An Nhân, Ông xuống ngựa, nằm gối đầu lên ngọn giáo rồi hóa. Sau khi ông mất nhiều nơi nhớ ơn lập đền thờ và được các đời vua về sau đều ban sắc phong thần và cho phép người dân lập đền thờ.

     Hiện nay trong di tích Đền Định Công Thượng còn bảo tồn 02 bộ long ngai, bài vị được chạm trổ tinh xảo, trau chuốt với họa tiết trang trí sóng nước, cánh sen, rồng chầu, hổ phù, vân mây, mang nghệ thuật điêu khắc thế kỷ XVIII, XIX; các bức hoành phi, cửa võng, câu đối, được sơn son thiếp vàng cũng làm tăng thêm sự trang nghiêm, lộng lẫy cho điện thờ. Ngoài ra Đình còn bảo lưu được bộ sưu tập di vật văn hóa có giá trị lịch sử như: cuốn thần tích niên hựu Vĩnh Hựu 3 (1737), 03 đạo sắc phong niên đại Tự Đức 13 (1860); Duy Tân 03 (1909) có giá trị đặc biệt hơn cả.

     Hiện nay Đình Định Công đã được Bộ Văn hóa Thông tin nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích Lịch sử - Nghệ thuật tại Quyết định số 921/QĐ-BT ngày 20/7/1994.

     Qua gần 300 năm tồn tại với nhiều biến động của nhân tình thế thái nhưng đình Định Công luôn là một trung tâm sinh hoạt văn hóa tâm linh tinh thần của một cộng đồng dân cư, nơi bảo lưu những truyền thống giá trị lịch sử tốt đẹp thu hút du khách gần xa về thăm viếng chiêm bái./.

thời tiết các vùng

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh

Bình chọn

Đánh giá thái độ tiếp công dân của cán bộ Một cửa quận