di tích lich sử văn hóa

Danh nhân Nguyễn Công Thể (1684 - 1758) và khu di tích lưu niệm của ông
Ngày đăng 14/01/2022 | 16:44  | View count: 405

Danh nhân Nguyễn Công Thể (1684-1758) và khu di tích lưu niệm của ông thuộc phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội nơi này nổi tiếng với nhiêu danh nhân, nhà khoa bảng nổi danh của các triều đại trước, như: Nguyễn Công Thể (Thái) (1684-1758), Nguyễn Văn Siêu (1796-1872) và Nguyễn Trọng Hợp (1834-1902)

     Quê hương của các danh nhân này theo tên thôn gọi là làng Lủ, tên chữ là Kim Giang. Họ Nguyễn của các nhà khoa bảng trên, gốc tích ở Kim Lũ - Lủ Trung. Kim Lũ chữ hán có nghĩa là “sợi tơ vàng, sợi kim tuyến”. Đó là vùng đất địa linh nhân kiệt, có con sông Tô Lịch trong xanh uốn khúc chảy qua mà xưa kia người ta cho rằng ở đấy có thế đất “cận Đế vương”; có nhiều truyền thuyết và sự kiện lịch sử gắn với các triều đại phong kiến mà ba danh nhân họ Nguyễn này là người trong cuộc.

     Theo truyền thống thường thì dòng họ nào cũng có nhà thờ. Đó là phong tục thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Những dòng họ có người đỗ đạt, làm quan, nhà thờ, họ thờ thủy tổ, các đời đến phân chi, dòng họ Nguyễn ở Kim Lũ do đặc điểm có người đỗ đại khoa, làm quan trong các triều Lê - Nguyễn nên các vị danh nhân này có nhà thờ riêng.

     Theo nhà nghiên cứu Hán nôm Vũ Tuấn Sán thì tên vị danh nhân này được phiên âm trong bản dịch “Việt sử Thông giám Cương mục và Lịch triều Hiến chương” là Nguyễn Công Thái. Chữ hán viết có hai âm, nhưng tục kiêng tên húy trong dòng họ cho phép xác định tên chính thức là Thể (thường gọi tránh là Thởi, còn không kiêng tên Thái).

     Khu di tích nhà thờ Nguyễn Công Thể được gọi là “Nguyễn Tướng Công Từ” được xây dựng trên nền đất vốn xưa là nhà ở của Ông ở quê nhà. Theo gia phả, thuở nhỏ Ông rất chịu khó học hành, năm 18 tuổi thi đỗ giải Nguyên, 31 tuổi thi Hội đỗ Tiến sỹ (1715). Sau khi được bổ nhiệm làm quan ở các trấn Thanh Hóa, Nghệ An, Hải Dương đến năm 1724, Ông được điều về Thăng Long giữ chức Đông Các Học Sĩ Tri Lại Phiên. Vào thời gian này Ông được cử tới Nam Quan bàn bạc với sứ thần Trung Quốc để giải quyết việc các thổ ty ở tại tỉnh Vân Nam âm mưu chiếm 120 vạn dặm đất thuộc Vị Xuyên nước ta, nơi có mỏ đồng lớn, Ông đã lặn lội nơi sơn lam, chướng khí để định ra nơi phân chia ở sông Đỗ chú và cho dựng bia đá phân mốc. Chúa Trịnh là Trịnh Giang ban cho Ông giữ chức Tả Thị Lang Bộ Lại kiêm Bồi Tụng (chỉ dưới chức Tham Tụng). Sau này chúa Trịnh Giang sao nhãng việc triều chính, chỉ ăn chơi trách táng, Ông cùng một số đại thần phế bỏ Trịnh Giang đưa Trịnh Doanh lên ngôi, từ đó công việc trong nước được yên ổn.

     Trong nhà thờ Nguyễn Công Thể có đôi câu đối:

Phiên phong trọng ký tam đề ấn

Chính phủ phồn cơ tứ bỉnh quân

     Tạm dịch: 

Ba lần được giao nhiệm vụ bảo vệ biên cương.

Bốn lần cầm quyền điều hành Chính phủ.

     Và một đôi câu đối khác:

Tứ bật huân lao long quốc đống

Tam vinh thanh vọng quán tiêu ban

     Tạm dịch:

Huân công Tham tụng bốn lần, hiên ngang ngồi trụ cột đất nước

Danh vọng vinh quy 03 bận, đứng đầu triều nức tiếng thanh cao.

    Từ đây đối chiếu với chính sử ghi chép cho thấy Nguyễn Công Thể bốn lần được giữ chức Tham Tụng (ngang chức Tể Tướng) vào những năm 1735, 1742, 1744, 1746 nhưng năm 1747 sau khi xin về hưu một năm, Ông lại được mời ra làm Tham Tụng kiêm Tri Quốc Tử Giám và dạy Thế tử Trịnh Sâm học.

     Mặc dù quyền cao chức trọng có công lớn với vua Lê - chúa Trịnh nhưng Ông vẫn giữ nếp sống thanh bạch ở nhà gianh, vách đất. Sử chép rằng: Khi Tướng công về hưu, nhà Chúa vẫn cử người đến thăm hỏi, quan Khâm sai có lần tâu với chúa Trịnh Sâm về việc này, Nhà Chúa đã cho chuyển nhà dạy học về Kim Lũ để làm nhà ở cho thầy, đó là năm Mậu Dần 1758, sự kiện nay đúng năm Tướng Công mất và trở thành nhà Thờ Ông sau này, mộ của Tướng công Nguyễn Công Thể được chôn cất tại xứ Đổng Sở Sơn; trải qua thời gian năm tháng đến thời vua Đồng Khánh - nhà Nguyễn (tam niên - 1888) nhà thờ được tu bổ, tiếp đó con cháu Ông còn tu sửa xây đắp thêm tường hậu, bình phong, làm thêm hoành phi, câu đối, bia đá ca ngợi thân thế sự nghiệp vị khai khoa của dòng họ.

     Không gian cảnh quan và bố cục mặt bằng ở di tích nhà thờ Nguyễn Công Thể vẫn còn đủ cổng nhà thờ, bình phong, nhà phương đình, nhà thờ chính ba gian hai dĩ, nhà tả vu, hữu vu. Tuy kiến trúc không to lớn, bề thế nhưng hài hòa lại tiếp giáp với khu vườn của di tích nhà thờ danh nhân nên việc tổ chức hành hương, lễ bái và thăm quan rất thuận lợi không gây nhiều xáo động tới sự thâm nghiêm và linh thiêng của di tích./.

thời tiết các vùng

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh

Bình chọn

Đánh giá thái độ tiếp công dân của cán bộ Một cửa quận