di tích lich sử văn hóa
Trong lịch sử đấu tranh cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc ta, trải qua hơn nửa thế kỷ qua có biết bao người con ưu tú đã anh dũng chiến đấu và hy sinh vẻ vang cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Tiêu biểu như các đồng chí Trần Phú, Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Văn Thụ. Khu tưởng niệm đồng chí Hoàng Văn Thụ hiện nay thuộc phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội (nơi đây trước kia là pháp trường của Thực dân Pháp)
Đồng chí Hoàng Văn Thụ là người dân tộc Tày, Ông sinh ngày 4/11/1909 tại thôn Phạc Lạc, tổng Nhân Lý, châu Văn Uyên, tỉnh Lạng Sơn (nay là xã Hoàng Văn Thụ, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn). Ngay từ nhỏ, Đồng chí đã thể hiện tố chất thông minh, hiếu học và hết lòng yêu nước. Thưở nhỏ khi học trường tiểu học Việt Pháp ở Lạng Sơn, trong cao trào đấu tranh đòi thả Phan Bội Châu (1925) và để tang Phan Châu Trinh (1926), Đồng chí đã tham gia thành lập nhóm thanh niên yêu nước tại Lạng Sơn; năm 1928 tham gia Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội; năm 1929 đồng chí được kết nạp vào Đông Dương cộng sản Đảng và sau này là một trong những đảng viên đầu tiên của Đảng cộng sản Đông dương.
Năm 1938, đồng chí Hoàng Văn Thụ được Trung ương cử vào ban lãnh đạo xứ ủy Bắc kỳ. Năm 1939 đồng chí được cử là Bí thư xứ ủy Bắc kỳ với cương vị và trọng trách lớn, Đồng chí đã chỉ đạo củng cố thành ủy Hà Nội trong thời kỳ bị giặc Pháp khủng bố gắt gao (1939 - 1940), do sự khủng bố, phá hoại của giặc nhiều cơ sở Đảng bị vỡ, sự nghiệp cách mạng gặp nhiều khó khăn, tổn thất. Trước tình hình đó, Đồng chí đã nhiều lần trực tiếp làm việc, chỉ đạo củng cố thành ủy Hà Nội. Từ hội nghị Trung ương lần thứ VII (tháng 11 năm 1940), Đồng chí là Ủy viên Trung ương Đảng. Tại Hội nghị Trung ương lần thứ VIII (tháng 5 năm 1941), Đồng chí được giao làm công tác mặt trận và binh vận của Đảng, Đồng chí là một trong những người sáng lập báo “Cờ giải phóng”.
Ngày 25/8/1943, trên đường đi dự một cuộc họp tại Hà Nội, Đồng chí bị mật thám Pháp bắt tại khu Tám mái và bị giam giữ tại nhà tù Hỏa Lò. Trong thời gian bị bắt, giam cầm và chịu mọi cực hình tra tấn và các thủ đoạn thâm độc của kẻ thù, Đồng chí vẫn giữ vững khí tiết bất khuất, kiên cường của người đảng viên trung kiên của Đảng khiến kẻ thù khiếp sợ, đồng chí, đồng đội khâm phục, kính trọng.
Theo hồi ký của đồng chí Trần Đăng Ninh, cũng bị giam cầm cùng với đồng chí Hoàng Văn Thụ tại nhà giam Hỏa Lò, kể lại: Trong phiên tòa đại hình do thực dân Pháp mở để xử án, đồng chí Hoàng Văn Thụ vẫn giữ vững khí tiết của người chiến sỹ cộng sản kiên trung luôn vững tin vào ngày toàn thắng của Đảng ta, Người đã chỉ thẳng vào mặt kẻ thù bằng những lời đanh thép “Trong cuộc đấu tranh sinh tử giữa Chúng tôi những người mất nước và các ông những kẻ cướp nước, sự hy sinh của những người như tôi là lẽ dĩ nhiên, chỉ biết rằng cuối cùng chúng tôi sẽ thắng”. Ý chí ganh thép ấy làm quân thù kinh ngạc khiếp sợ, sáng ngày 24/5/1944 kẻ thù đã hèn hạ sát hại Đồng chí tại trường bắn Tương Mai (nay là khu tưởng niệm Đồng chí).
Sau khi đồng chí Hoàng Văn Thụ hy sinh, nhân dân làng Tương Mai đã bí mật tổ chức trộm xác của Đồng chí và chôn cất hài cốt của Đồng chí tại cánh đồng làng Tương Mai và bí mật trông coi, giữ gìn cho đến năm 1954 hòa bình lập lại Nhà nước xây lại mộ Đồng chí. Năm 1958, thi hài Đồng chí được cất bốc đưa về an táng tại nghĩa trang Mai Dịch - Hà Nội.
Với mục đích tôn vinh giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau luôn ghi nhớ công lao của một bậc tiền bối cách mạng, một nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng. Trên tinh thần đó năm 2008, UBND quận Hoàng Mai đã đầu tư, tu bổ, tôn tạo xây dựng khu tưởng niệm Đồng chí tại chính trên nền trường bắn xưa; khu tưởng niệm với diện tích 2430m bao gồm các hạng mục: vườn hoa, cây xanh, đèn chiếu sáng, tiểu cảnh, sân chơi và chính giữa là tượng đài đồng chí Hoàng Văn Thụ được tạc bằng đá xanh khai thác từ Thanh Hóa với tổng trọng lượng hơn 80 tấn, tổng chiều cao của tượng là 8,55m, riêng toàn thân tượng cao 6,03m còn lại là đế tượng. Tại khu tưởng niệm đồng chí Hoàng Văn Thụ ngoài các hạng mục tượng đài, nhà bia, sân vườn, tiểu cảnh, được sắp xếp hài hòa, khoa học thì còn có một cây Hồi quế (một loại cây đặc trưng của Lạng Sơn) được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Lạng Sơn gửi tặng khu tưởng niệm - với ý nghĩa quê hương luôn ở cạnh Đồng chí dù ở bất cứ đâu. Trên bia đá của khu tưởng niệm ngoài đục chạm hình tượng cờ đỏ búa niềm thì mặt trước bia đá được khắc tóm tắt thân thế, sự nghiệp của đồng chí Hoàng Văn Thụ; mặt sau khắc nội dung bài thơ “Nhắn bạn” nổi tiếng của Đồng chí. Tổng kinh phí đầu tư, tôn tạo khu tưởng niệm đồng chí Hoàng Văn Thụ trên 11 tỷ đồng, đây là công trình văn hóa lịch sử cách mạng chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội của Đảng bộ và nhân dân quận Hoàng Mai.
Đồng chí Hoàng Văn Thụ người con ưu tú của các dân tộc tỉnh Lạng Sơn, nhà Lãnh đạo tài ba xuất chúng của Đảng ta - Người đã cống hiến tròn vẹn cả cuộc đời cho sự nghiệp vẻ vang của Đảng và dân tộc ta; cuộc đời đấu tranh sôi nổi của Đồng chí đã nêu gương sáng ngời về biểu tượng người chiến sỹ cộng sản kiên trung, bất khuất sẵn sàng hy sinh vì lý tưởng trước kẻ thù nhưng lại rất mực thủy trung, chân thành với đồng chí, đồng đội hết lòng yêu thương đồng bào, Đồng chí còn là một nhà thơ, nhà báo cách mạng xuất sắc, mượn lời thơ, ý văn để làm vũ khí đấu tranh sắc bén với kẻ thù.
Tiêu biểu là bài thơ “Nhắn bạn”:
“Việc nước xưa nay có bại thành
Miễn sao giữ trọn được thanh danh
Phục thù chí lớn không hề nản
Ngọc nát còn hơn giữ ngói lành
Thân dẫu lao tù lâm cảnh hiểm
Chí còn theo dõi buổi tung hoành
Bạn hỡi gần xa hăng chiến đấu
Trước sau xin giữ tấm lòng thành”.
Đồng chí Hoàng Văn Thụ mãi mãi là tấm gương sáng cho các thế hệ noi theo đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay trong công cuộc xây dựng,bảo vệ các thành quả cách mạng cũng như trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước ngày nay./.
dịch vụ công
thời tiết các vùng
Hà Nội | |
Đà Nẵng | |
TP Hồ Chí Minh |