di tích lich sử văn hóa

Di tích lịch sử Đền Lư Giang
Ngày đăng 23/01/2022 | 09:19  | View count: 1047

Hoàng Mai là một làng cổ nằm trong địa bàn sinh tụ chính của cư dân Việt cổ thời Hùng Vương. Trước đây Hoàng Mai cùng với Tương Mai, Mai Động và một số làng phụ cận hợp thành vùng Kẻ Mơ (Cổ Mai) nổi tiếng ở phía nam kinh thành Thăng Long.

     Sách “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi viết “Vùng ấy, đất thì đỏ chín cùng sắc xanh đen, ruộng thì vào loại thượng hạng, hơn nữa dòng sông Kim Ngưu như một dải lụa vắt ngang của xã đã là một món quà của thiên nhiên trao tặng vùng này, dòng sông vừa là nguồn tưới nước cho đồng ruộng vừa là một nguồn cá phong phú cho cư dân”. Với điều kiện tự nhiên thuận lợi đó Cổ Mai đã sớm được khai thác, tạo dựng và phát triển.

     Những năm đầu công nguyên, trai tráng Kẻ Mơ đã cùng với Đô tướng Tam Trinh tham gia cuộc khởi nghĩa chống giặc Đông Hán do Hai Bà Trưng phát động và giành nhiều thắng lợi vẻ vang. Cuối thế kỷ thứ XIV, danh tướng Trần Khát Chân có các tùy tướng Phạm Tổ Thu, Phạm Ngưu Tất trợ giúp đã đánh thắng giặc Chiêm Thành ở phía nam. Vua giặc là Chế Bồng Nga bị bắn chết, cuộc tấn công của giặc Chiêm Thành bị đập tan, Ông đã được nhà vua phong tặng vùng đất Cổ Mai cho làm Thái ấp. Hai vị gia tướng được Trần Khát Chân tin cậy giao cho cai quản, tổ chức việc sản xuất nông nghiệp, khai thác thủy sản ở khu vực ven sông Lừ. Đến năm 1399 sau vụ mưu sát Hồ Quý Ly không thành cả Trần Khát Chân và hai gia tướng họ Phạm cùng một số người thân tín, quyến thuộc hơn 370 người bị sát hại tại núi Đốn Sơn (nay là huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa), điền trang thái ấp cũng bị triệt phá.

     Trong lịch sử, làng Hoàng Mai có Trạm Lư - một dịch trạm lớn nằm trên con đường thiên lý vào các tỉnh phía Nam. Căn cứ theo tấm bia “Dịch lư kiều bi ký” (bia ghi về cầu Trạm Lư) do Đệ Nhất Giáp Tiến sỹ Cập Đệ, Đệ nhất danh Trạng nguyên khoa Đinh Sửu - Nguyễn Khắc Nhu soạn vào ngày mùng 5, Phúc Thái thứ 4 (1646) còn lưu tại Đền Lư Giang thì ngày ấy cầu Dịch Lư là một di tích cổ nổi tiếng nó làm cổ áo cho sông Long Giang và chặn lấy thành vàng, làm giải lưng cho hồ Ngưu mà dẫn làn nước ngọc, thực là nơi thắng cảnh bậc nhất của nước Việt, thật là nơi đại đô hội của đất Tràng An từ xưa đến nay. Do những biến đổi thăng trầm của lịch sử cầu Trạm Lư bị hư hỏng, mùa xuân tháng 2 năm Phúc Thái thứ 2 (1644) dân làng Hoàng Mai đã đứng ra góp tiền của để làm lại cầu. Tháng 11 năm Phúc Lai thứ 03 (1645) thì hoàn thành. Năm 1646 dân làng Hoàng Mai tạc bia đá lớn dựng trong Đền Lư Giang bên cầu để ghi lại sự kiện trên và biểu dương công đức của người dân tham gia đóng góp.

     Theo hồi ức và truyền thuyết ở địa phương, Đền Lư Giang được xây dựng từ thời Lê Sơ để thờ Phạm Tổ Thu, Phạm Ngưu Tất là hai tùy tướng của Trần Khát Chân. Đến thời Lê Trung hưng (thế kỷ 17, 18) tín ngưỡng phát triển và mở rộng cùng sự xuất hiện của Công chúa Liễu Hạnh và tục thờ mẫu cũng được thờ tại Đền Lừ.

     Tư liệu văn bia và truyền thuyết địa phương đều khẳng định sự hiện diện của nữ thần Thủy tinh Công chúa trong điện thần của Đền. Trong tâm thức người Việt, Thủy tinh Công chúa là một trong ba vị nữ thần quan trọng nhất của Tam tòa Thánh mẫu (Mẫu Thiên, Mẫu Thủy, Mẫu Địa). Bà vốn ở thủy cung là Công chúa con vua Thủy tề. Do nhiều lần hiển linh ở cõi trần để giúp dân trừ bạo nên được nhiều nơi lập đền thờ.

     Để ca ngợi công đức của Thủy tinh Công chúa, 02 bức Đại tự trong Đền ghi:

“Linh sảng thức bằng (sáng suốt, thông minh, làm khuôn mẫu cho mọi người theo)

Thao thủy khôn tinh (đức kiên trung của Thánh mẫu Liễu như nước   sông Thao)”.

     Vị thần thứ ba được thờ trong Đền là người anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại vương - Trần Quốc Tuấn - một nhà quân sự lỗi lạc, văn võ song toàn, giàu lòng yêu nước thương dân. Trong chiến công ba lần chiến thắng quân Nguyên Mông sang xâm lược nước ta, Trần Quốc Tuấn là người đóng góp công lao nhiều nhất. Sử sách nước ta ghi nhận rằng: “Trần Quốc Tuấn đã tham gia lãnh đạo cuộc kháng chiến lần thứ 2 và thứ 3. Ông là người chí dũng song toàn, kiêm tài văn võ. Trước họa xâm lăng, Ông luôn đặt lợi ích của dân tộc, của đất nước lên trên hết. Lúc bấy giờ giữa ông và Trần Quang Khải là những người giữ cương vị chủ chốt trong triều vốn có hiềm khích thù oán, Ông đã chủ động xóa bỏ mối thù riêng trong dòng họ, giải quyết những bất đồng trong triều để củng cố khối đoàn kết trong hoàng tộc, một lòng một dạ chiến đấu vì độc lập của Đất nước”. Trần Quốc Tuấn còn là tác giả của bài “Hịch tướng sỹ” và hai tác phẩm nổi tiếng về quân sự “Binh thư yếu lược”,“Vạn kiếp tông bí truyền thư”.

     Tư tưởng “khoan sức dân” để làm kế bền gốc, sâu rễ đó là thượng sách giữ nước của Ông, luôn là bài học đúng đứn cho các thế hệ sau noi theo.

     Hàng năm lễ hội Đền Lừ Giang được tổ chức vào ngày 18/8 (âm lịch). Trong những ngày hội ngoài phần nghi lễ hết sức trang trọng, dân làng Hoàng Mai còn tổ chức rước thần từ Đền đến Đình và ngược lại. Đền Lư Giang ngày nay có quy mô kiến trúc khá lớn gồm nhiều lớp nhà liền nhau, nằm ngay bên cạnh con sông Kim Ngưu huyền thoại.

     Kiến trúc chính của Đền gồm 03 tòa chính, theo hướng Đông Nam phía trước có hồ sen hình bán nguyệt và một sân gạch khá rộng, tòa tiền tế gồm 3 gian 2 trái làm theo kiểu 2 tầng 8 mái với các góc đao cong. Bờ nóc được trang trí đôi rồng chầu mặt trời và hai đầu kìm hướng vào giữa. Đầu đao được đắp các đôi rồng ở tư thế vươn cao về nóc mái, đắp các mảnh men sứ trắng hoa lam trên toàn bộ thân. Phần khung gỗ tòa tiền tế có 3 vì đều làm theo dạng cột trống quá giang. Các tầng mái trên làm kiểu con mê đỡ trực tiếp các con hoành. Trên có trang trí các mô típ tứ quý, mai lão, cúc và rồng chầu, đáng chú ý hơn cả là cách chạm hổ phù trên cốn hồi.

     Tiếp sau tòa Tiền tế là một lớp ngang gồm ba gian hai trái với các bộ vì kết cấu “chồng giường giá chiêng”, tường hồi bít đốc không trang trí, bào trơn soi chỉ nhẹ nhàng.

     Nếp nhà thứ ba có lòng hẹp với ba gian giữa, được tôn cao làm tầng lầu 4 mái, các bộ vì cũng có dạng thức như Tiền tế. Trên các cốn có chạm trang trí vân mây hoa lá và long mã. Tại đây gian giữa có xây gạch trên đó đặt ngai thờ và các đồ thờ tự.

     Bài trí thờ tự Đền Lư Giang được thể hiện khá trang nghiêm theo quy tắc truyền thống thường thấy ở các ngồi đền cổ ở nước ta. Các vị thần được tọa lạc tập trung ở hai nếp nhà trong cùng ở vị trí trung tâm nhất. Các pho tượng đều được đặt trên bệ gỗ và được sơn son, thếp vàng, trạm khắc rất công phu, cầu kỳ. Tính từ ngoài là tượng ông Hoàng (Hoàng Mười, Hoàng Bảy), Tam tòa Quan lớn, Vua cha Ngọc Hoàng, hai vị Dượng Nhiên, Dượng Cảnh, Sơn Trang, Mẫu Thoải, Tam tòa Thành mẫu và Thủy tinh Công chúa.

     Đền Lư Giag còn lưu giữ được ba đạo sắc phong thời Nguyễn phong cho Mẫu Liễu Hạnh; hai quả chuông đồng thời Nguyễn, ba bộ Long ngai, bài vị; 8 bộ thờ gỗ sơn son thiếp vàng; 7 bức hoành phi; 8 câu đối gỗ cổ sơ thếp; Bốn tấm bia đá trong đó có 2 tấm thời Lê và 02 tấm thời Nguyễn.

     Với kiến trúc hầu như còn nguyên vẹn cùng cảnh quan khá đẹp Đền Lư Giang cùng với các di tích trong vùng như: chùa Nga Mỹ, Đình Hoàng Mai là điểm dừng chân thú vị cho du khách thăm quan, hành hương lễ  Phật, lễ Thánh tại chốn linh thiêng đặc sắc này./.

thời tiết các vùng

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh

Bình chọn

Đánh giá thái độ tiếp công dân của cán bộ Một cửa quận