di tích lich sử văn hóa

Đình Thanh Trì
Ngày đăng 23/03/2022 | 16:11  | View count: 831

Đình Thanh Trì thuộc phường Thành Trì quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội. Căn cứ vào tấm bia niên hiệu Gia Long; Bia kí kỵ bi ký ngày 20 tháng 03 niên hiệu Tự Đức 30 (1877) và bia niên hiệu Tự Đức năm thứ 35 (1882) có thể xác định Đình Thanh Trì được xây dựng từ thời Nguyễn. Qua các tư liệu thành văn và truyền thuyết dân gian đều khẳng định Đình thờ bát vị Thành hoàng, đó là:

     1. Thánh Linh Lang Đại vương;

     2. Thánh Cao Sơn Đại vương;

     3. Thánh Đô Hồ Đại vương;

     4. Thánh Long Uyên Đại vương;

     5. Thánh Uy Linh Đại vương;

     6. Thánh Linh Cảm Đại vương;

     7. Thánh Độ Hộ Đại vương;

     8. Thánh An Sinh Đại vương.

     Đây là những vị Thánh có công giúp nước, giúp dân được dân làng Thanh Trì tôn thờ làm Thành Hoàng làng từ xưa. Theo sử ghi lại cách đây hơn 200 năm, đình Thanh Trì đã được bà Trần Thị Khiết người làng Thanh Trì lúc ở trong cung vua, phủ chúa đã công đức tiền của để dân làng xây dựng lại hai tòa nhà Giải Vũ đình và mua ruộng lo việc hương đăng (tấm bia “Hậu Phật bi ký”) ở Đình đã ghi lại việc này. Đến năm 1993, Đình được UBND Thành phố Hà Nội đầu tư tôn tạo xây dựng lại với quy mô kiến trúc tương đối rộng lớn.

     Đình có mặt bằng chữ Đinh, gồm tiền tế và hậu cung, được xây dựng theo kiểu nhà 4 mái, 03 gian 02 trái; các góc mái được làm cong, tạo hình rồng, bờ nóc đắp cao chạm hình rồng chầu, hổ phù đội mặt trời lửa, diềm mái trang trí hình triện móc và hình lá cách điệu. Đầu bẩy hiên chạm chữ Thọ.

     Tiền tế xây theo kiểu tường hồi bít đốc tay ngai, trên bờ nóc đắp nổi hai đầu rồng chầu. Hai hồi phía trước xây cột đồng trụ, đỉnh cột đắp nghê, phái dưới là lồng đèn, thân trụ bổ khung đắp câu đối chữ hán. Qua ba bậc tam cấp là vào đến khu kiến trúc chính cao hơn mặt sân khoảng 40cm xung quanh bó gạch vỉa. Tiền tế mở ba cửa bức bàn ở ba gian giữa, cửa làm gỗ kiểu “Thượng song hạ bản”, phía trên cửa chạm trổ hệ thống “tứ linh”, “tứ quý”; trên đỉnh các cột chạm hình hoa sen. Hệ thống vì kèo kết cấu kiểu giá chiêng, các đầu kê chạm hình cánh sen, giá chiêng bào trơn, bốn bộ vì nách ở hai trái kiểu ván bưng vẽ đề tài văn triện và lá cách điệu hình hòm sắc, hồ lô. Nền nhà Tiền tế lát gạch men hoa.

     Ngoài nhà Tiền tế: Tại gian giữa là một án thờ bằng bê tông, bên trên bài trí các đồ thờ có một số câu đối ca ngợi công đức các vị Thành hoàng làng.

     Hậu cung gồm một gian hai trái, vì kèo bằng gỗ, kết cấu giá chiêng chồng rường con nhị, toàn bộ hệ thống vì được đứng chân trên hệ thống dầm và bê tông giả gỗ. Các đấu kê chạm hình lá sen, giá chiêng bào trơn; bốn bộ vì nách ở hai trái làm kiểu ván bưng vẽ đề tài văn triện và lá cách điệu hình hòm sắc, hồ lô. Trong hậu cung ở chính giữa xây một sập thờ bằng bê tông ốp gạch men, bên trên bài trí các đồ thờ tự; chính giữa hậu cung xây một bệ gạch cao khoảng 1,4m bài trí năm bộ long ngai bài vị thờ thần.

     Mặc dù đình Thanh Trì mới được phục dựng song vẫn đảm bảo nghệ thuật kiến trúc - điêu khắc đình làng ở đồng bằng bắc Bộ và chứa đựng nhiều yếu tố thuần Việt, mang bản sắc văn hóa dân tộc, có giá trị nghệ thuật độc đáo.

     Hàng năm vào ngày mùng 01 đến mùng 03 tháng hai hàng năm là dịp tổ chức lễ hội đình Thành Trì. Công việc tổ chức lễ hội được hoàn tất trước buổi sáng ngày 30 tháng giêng, buổi chiều tại Đình diễn ra Lễ khao thỉnh tức Lễ yết cáo.

     Sáng ngày mùng một tháng hai bắt đầu vào lễ. Lễ vật dâng các vị Thành hoàng gồm có lễ Tam sinh: (gà, lợn, ngan) sau đó dân làng làm lễ rước nước từ sông Hồng mang về với mong muốn cầu cho nhân dân được an lành, giàu có. Đi đầu đoàn rước nước là cờ thần, trống chiêng, kiệu nước (có chóe để chứa nước), kiệu long đình để bát hương, kiểu bát cống để Long ngai, bài vị; đoàn rước đi theo, rước nước vào trong cung làm lễ Thánh.

     Đám nước gồm các cụ cao niên, trai đinh, hương chức trong làng… mặc quần trắng, áo dài thâm, thắt lưng điều, cầm cờ, bát bửu, lộ bộ, trống chiêng, giàn bát âm, kiệu bát cống nghiêm chỉnh.

     Sáng mùng 02, rước từ Đình xuống chùa Triệu Khánh (khoảng 2 km) để lễ và tụng kinh, sau đó quay về Đình và dâng bát hương lên chỗ cũ.

     Ngày mùng 03 làng tổ chức Lễ tế giã hội. Trong ngày hội nhà nào cũng giết gà và mở tiệc linh đình. Thanh Trì còn có tục mở hội cỗ, làng có bốn thôn là Thanh Trì, Thanh Lân, Thanh Xuân và Thanh Quý, cứ những năm được mùa “Phong đăng hòa cốc” các cụ trong làng mở hội rất to. Trong hội có thi cỗ, các giáp mỗi giáp có một đơn vị dự thi. Các cụ già nhất trong làng đều được rước ra Đình bằng võng điều để chứng kiến cuộc thi cỗ. Cỗ giáp nào đoạt giải Nhất thì được dâng cúng Thành hoàng và giáp đó được giải. Giải thưởng chỉ là ba vuông vóc hồng và mấy gói chè nhưng cả giáp vô cùng hãnh diện, vinh dự. Trong hội Đình cũng diễn ra nhiều trò chơi đân gian như đấu vật, chọi gà, múa rối nước…

     Mặc dù trải qua nhiều biến cố và những thăng trầm của lịch sử, hiện nay Đình còn lưu giữ được khá nhiều hiện vật có giá trị như: 02 bộ bát bửu thế kỷ XIX trong đó đặc biệt là bộ bát bửu gồm 8 chiếc được chạm trổ cầu kỳ những đề tài rồng, phượng, hoa lá liêng thiêng mang tính tượng trưng và ước vọng. Chóe sứ rước nước thế kỷ XIX, cao khoảng 80cm men trắng vẽ lam trang trí hoa dây và phong cảnh mây nước; đôi hạc đồng đứng trên lưng rùa biểu tượng của sự trường tồn, vĩnh cửu mang đậm nét giá trị nghệ thuật thế kỷ XIX. Đặc biệt là ba tấm bia đá: một bia có niên hiệu Gia Long (chữ mờ không rõ niên đại); bia niên hiệu Tự Đức 30 (1877) và bia niên hiệu Tự Đức 35 (1882) và nhiều di vật có giá trị lịch sử khác.

     Với những giá trị lịch sử văn hóa đặc sắc riêng có nên năm 2009, đình Thanh Trì được UBND Thành phố Hà Nội xếp hạng là di tích lịch sử - nghệ thuật tại Quyết định số 2568/QĐ-UBND ngày 28/5/2009./.

thời tiết các vùng

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh

Bình chọn

Đánh giá thái độ tiếp công dân của cán bộ Một cửa quận