di thích lịch sử - lễ hội

Thần tướng Tam Trinh và hội vật làng Mai Động
Ngày đăng 28/02/2022 | 15:40

Tác giả Trần Quốc Vượng viết về một số nhân vật thời đại Hai Bà Trưng ở Hà Nội, trong sách “Hà Nội nghìn xưa” NXB Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội, 1975. Trong đó có bài về “Ông tổ lò vật Mai Động - Nguyễn Tam Trinh” như sau:

     “... Nguyễn Tam Trinh người quận Cửu Chân (Thanh Hóa) trước đó làm quan cho nhà Hán. Chán ghét chế độ thống trị hà khắc, ông từ quan. Đến Mai Động, rừng mơ, đất lạ, người hiền, Ông mến cảnh, mến người, dừng chân ở lại. Ông mở trường dạy học bên bờ sông Kim Ngưu, lựa chọn, thu nhận 30 học trò có chí khí, nghị lực và sức khỏe, Ông truyền dạy cả văn lẫn võ. Trong các môn vũ thuật, Ông chú trọng truyền dạy cho học trò cách thức đấu vật. Nhiệt tình yêu nước và bản lĩnh cao cường về vũ thuật của thầy dần dần chuyển dần sang đám học trò. Cuối cùng họ trở thành các đô vật tài năng. Tiếng lành đồn xa, người các vùng kéo đến xin học rất đông. Nguyễn Tam Trinh và các học trò chia nhau vừa truyền dạy vũ thuật, vừa ngầm chiêu mộ nghĩa quân, chuẩn bị khởi nghĩa.

     Đầu năm 40, hưởng ứng lời thề sông Hát “Rửa sạch nước thù”, Nguyễn Tam Trinh tập hợp học trò thành đội ngũ, làm lễ tế trời đất, rồi thầy trò kéo nhau lên Hát Môn tụ nghĩa. Đô Trinh được Hai Bà Trưng cử làm tướng, cầm đầu một đạo binh lớn. Ông cùng học trò rèn luyện quân sỹ, xông pha trận mạc lập nhiều chiến công. Chiến thắng về làng, dân vui mừng mổ trâu, lợn đón rước và mở hội vật mừng xuân chiến thắng”. Vậy là ở đây, lịch sử với truyền thuyết đã cùng hòa quyện, ra đời những anh hùng, những Phúc thần, những Thành hoàng của nhiều miền quê đất nước luôn phù trì giúp đỡ cho cuộc sống của dân làng.

     Tướng Tam Trinh chính là một “anh hùng địa phương”, như bao nhân vật đã được huyền thoại hóa mà không có tên trong sử sách. Ông được người dân Cửu Chân (Thanh Hóa), dân vùng Hoàng Mai - địa bàn hoạt động của Ông lúc sinh thời tôn thờ làm Thành hoàng làng.

     Ở Mai Động, nhân dân đã xây dựng ngôi Đình và Nghè để tôn thờ ông là Thành hoàng làng ngay sau khi Ông mất. Đó là truyền thuyết về niên đại khởi dựng của các di tích này. Còn căn cứ theo niên đại của các di vật hiện còn như bia đá, sắc phong có niên đại Tây Sơn, thì di tích ít nhất cũng đã hiện diện từ thế kỷ XVII.

    Cuốn thần phả hiện còn lưu giữ ở Đình, do Hàn lâm viện học sỹ Nguyễn Bính viết năm 1572 cho biết công tích của tướng Tam Trinh như sau:

     “Thời Đông Hán, tại đất Long Biên có gia đình họ Triệu húy là Cân, đời trước đã được phong thần, lấy vợ người họ Tạ cùng quận, bà tên húy là Thành, con của một gia đình thi lễ. Họ kết duyên rất môn đăng hộ đối. Ngày ông còn trẻ đã tinh nghề thuốc, thích làm việc thiện hay phát chuẩn cứu tế. Lúc ông Triệu tuổi gần 60, bà họ Tạ gần 40 vẫn chưa có con trai bà thường hay nằm về hướng Nam. Một đêm, đột nhiên bà nằm mơ thấy có một vị tiên cho một thỏi bạch ngọc, bà liền bỏ vào mồm nuốt, đến khi tỉnh lại, bà liền kể chuyện cho ông chồng nghe, ông bà nghĩ đó là điểm lành. Về sau bà có thai.

     Vào năm Nhâm Dần, tháng giêng, ngày mồng năm, giờ dần, bà hạ sinh được một người con trai tướng mạo phương phi, tư chất thông minh. Mới lên ba tuổi đã biết lễ nghĩa, vừa hát, nghe họa mà biết.

     Năm lên bảy tuổi đi học. Năm 13 tuổi đã thông kinh bác sử và rất giỏi về đương thời, bấy giờ học trò đều thán phục xưng là “Thánh trẻ”, đông người yêu mến và họ đặt tên là Tam Trinh. Đến khi ông 18 tuổi thì cha mẹ mất, ông chọn đất tốt để chôn cất, ở nhà chịu tang ba năm, hết tang ông đi khắp nơi dạy học cho dân Nam Châu, mọi người mến phục gọi ông là Trưởng Châu.

     Một hôm ông sang tới đất Mai Động, huyện Thanh Đàm, phủ Thường Tín thấy dân còn lạc hậu, ít nghe tới chuyện học hành, ông liền mở trường dạy học bên bờ sông Kim Ngưu để dạy chữ và lễ nghĩa cho người dân, được mọi người mến phục. Cũng năm đấy giặc Tô Định giết chết Thi Sách là chồng của bà Trưng Trắc - người con gái thuộc dòng dõi vua Hùng bèn lập đài tế tại Hát Môn để tế các thần linh. Chúc rằng: “Trời sinh một người làm chúa muôn vật sinh linh phải kỵ, cây cỏ phải quan từng trên các đời vua trước, vua là thánh sống, triều đình có đạo yêu dân lo việc nước, đức hóa hằng bày ra, thiên hạ thái bình, nước nhà vô sự. Nay có người khác họ gọi là Tô Định thói thường để cho, động lòng cường, ngược chính tàn dân, trời đất, thần người cũng giận. Thiếp tôi cháu từ đời vua Hùng, trước riêng một người con gái nói đến sinh linh. Hoàng thiên cũng nhỏ nước mắt. Ngày nay đau lòng, xanh cỏ, chuộng nghĩa trừ tàn, nguyên trăm vị các tôn thần hội giám đàn, thề giúp thiếp là Trưng nữ, dấy quân đánh giặc giúp nước cứu dân nhằm khôi phục giang sơn nước cũ mong được mọi người hưởng ứng”.

     Nghe theo lời hịch, Trịnh Công tôi ngày đêm tôi luyện quân sỹ được hơn 5000 người lập đội quân Mai Động, các bô lão ở các trang trại thay thế liền làm lễ xin ông nhận họ làm bày tôi, được ông nhận lời, dân cả trang Mai Động nhộn nhịp chuẩn bị. Ông đã chọn một số dân binh Mai Động lấy 30 người mạnh khỏe làm bảo vệ. Đến ngày làm lễ khao quân đã theo về hội quân với Trưng nữ xin được đánh giặc.

     Trưng nữ thấy ông tài giỏi, trên thông thiên văn, dưới tường địa lý giữ lại để bàn việc quốc sự và phong ông chức “Đô úy” cử ông làm tiên phong đánh thành Luy Lâu đuổi được giặc Tô Định. Sau đó theo lệnh Trưng nữ, cho xây đắp 65 thành trì, khôi phục lại giang san bờ cõi nước Nam.Trưng nữ ở ngôi được 3 năm, trong thời gian này ông ở Mai Động.

     Mã Viện đem quân sang chiếm lại nước ta. Trưng nữ gia phong Ông chức Liệt Hầu được mạnh quyền làm Chưởng Bố Chính quân cơ. Ông đem quân ra biên ải đánh giặc, không phân thắng bại. Ông liền lui quân về Mai Động, quân Mãn tràn tới Mai Động, giặc đông, vũ khi nhiều đã tấn công ồ ạt, Ông vẫn cưỡi ngựa chiến cự chiến rất mãnh liệt, đến bên bờ đường, chỗ có nhiều gò đống, ông nghe tin Trưng nữ chủ đã mất, bèn ngửa mặt trời than rằng “Than ôi cơ đồ vua Trưng đã mất nên ta bầy tôi cũng chỉ có về trời” than xong bèn cưỡi ngựa lên núi mà mất.

     Ông mất ngày mùng 10 tháng 02 năm 43 sau Công nguyên, thọ 63 tuổi, nhân dân làng Mai Động xin được làm đền thờ tưởng niệm Ông. Trải qua các triều đại đến đời vua Lê Đại Hành thấy ông hiển linh bèn gia phong “Nam Sơn Tam Trinh Đại vương”, các vua triều Trần, Lê đời sau cũng gia phong như vậy.

     Hiện có khoảng 30 đạo sắc phong của các triều đại phong kiến phong tước “Đại vương Thượng đẳng thần” cho tướng Tam Trinh. Hiện nay còn 13 đạo sắc phong với các niên hiệu: Cảnh hưng 44 (1783), Chiêu Thống năm thứ Nhất (1788), Quang Trung thứ 4 (1791), Cảnh Thịnh thứ 02 (1794).

     Đến Mai Động là người ta nhớ ngay đến “Ông tổ lò vật”, hay ngược lại nói đến ông tổ lò vật là người ta tìm đến Mai Động. Truyền thống hào hùng không chỉ được ghi danh trong sử sách, được lưu lại qua di tích, di vật mà còn được ôn lại qua Hội vật Mai Động hàng năm được tổ chức vào ngày 4-5-6 tháng giêng. Trước và sau cuộc rước và tế cáo yết Thành hoàng là các cuộc đấu vật được diễn ra trên Đống vật, các đô vật chủ yếu từ bắc Ninh, Từ Liêm, Thanh Trì và ở một vài quận nội đô.

     Năm 1990 con đường lớn nằm bên sông Kim Ngưu, chạy qua khu vực chiến trường xưa của “ông tổ nghề vật - Tam Trinh” đã được Thành phố Hà Nội đặt tên là “đường Tam Trinh” để tri ân và ghi nhớ công ơn của Ông đối với vùng đất, còn người Mai Động xưa để ngày ngày lớp con cháu đi trên con đường đó tưởng nhớ, biết ơn về Ông./.

thời tiết các vùng

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh

Bình chọn

Đánh giá thái độ tiếp công dân của cán bộ Một cửa quận