Các hội

Chính sách mới có hiệu lực
Ngày đăng 06/03/2024 | 16:53  | View count: 105

1. Quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế

Chính phủ đã ban hành quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế sẽ có hiệu lực từ ngày 03/12/2023, trong đó đã bổ sung nhóm đối tượng được ngân sách Nhà nước đóng bảo hiểm y tế là: Người dân các xã an toàn khu, vùng an toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ hiện đang thường trú tại các xã an toàn khu cách mạng đã được cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đồng thời, Nghị định bổ sung nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế, gồm: Người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại địa bàn các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020 mà các xã này không còn trong danh sách các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

2. Quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.

Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình có hiệu lực từ ngày 25/12/2023. Nghị định nêu rõ, Tổng đài điện thoại quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình (Tổng đài) sử dụng số điện thoại ngắn có 3 chữ số để tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình. Tổng đài hoạt động 24 giờ tất cả các ngày để tiếp nhận tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình, được Nhà nước bảo đảm nguồn lực hoạt động. Tổng đài thực hiện ghi âm tự động và chi trả phí viễn thông đối với tất cả các cuộc gọi đến, gọi đi. Quy trình tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình qua Tổng đài như sau:

Người bị bạo lực gia đình hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khi phát hiện hành vi bạo lực gia đình thì gọi đến số điện thoại của Tổng đài để báo tin, tố giác về hành vi bạo lực gia đình.

Người tiếp nhận tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình qua số điện thoại của Tổng đài thực hiện ghi chép nội dung thông tin tiếp nhận, đồng thời thực hiện tư vấn tâm lý, cung cấp kỹ năng ứng phó với hành vi bạo lực gia đình. Ngay sau khi kết thúc việc tiếp nhận tin báo, tố giác hành vi bạo lực gia đình, người tiếp nhận phải thông báo cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi được thông tin xảy ra hành vi bạo lực gia đình để giải quyết theo quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tiếp nhận thông báo, xử lý tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình theo quy định. Trường hợp tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình mà người bị bạo lực gia đình là trẻ em thì việc xử lý theo quy định của pháp luật về trẻ em.

3. Sửa đổi, bổ sung quy định về tín dụng đầu tư của Nhà nước

Có hiệu lực từ ngày 22/12/2023, Theo quy định mới, Ngân hàng Phát triển Việt Nam căn cứ vào kết quả thẩm định dự án, đặc điểm sản xuất, kinh doanh, khả năng thu hồi vốn của từng dự án và khả năng trả nợ của khách hàng để quyết định thời hạn cho vay đối với từng dự án.

Mức lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước do Ngân hàng Phát triển Việt Nam quyết định, đảm bảo nguyên tắc đủ bù đắp chi phí huy động vốn, chi hoạt động bộ máy và chi phí trích lập dự phòng rủi ro đối với các khoản nợ vay được ký hợp đồng tín dụng kể từ ngày 22 tháng 12 năm 2023, nhưng không thấp hơn 85% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại trong nước trong cùng thời kỳ; ngân sách nhà nước không cấp bù lãi suất và phí quản lý đối với các khoản nợ vay này.

4. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ

Có hiệu lực từ 1/12/2023. Nghị định nêu rõ, Thanh tra Chính phủ là cơ quan ngang bộ của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong phạm vi cả nước; thực hiện hoạt động thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật.

5. Quyết định quy định mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo

Theo quy định mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo có từ 1/12/2023, mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo là từ 400.000.000 đồng trở lên. Hiện nay, quy định mức giá trị của giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo là 300.000.000 đồng.

Đối tượng áp dụng là tổ chức tài chính; tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 4 Luật Phòng, chống rửa tiền.

HLG